Định hướng phát triển trong tương lai của 03 thành phố trực thuộc trung ương loại I tại Việt Nam
Nội dung chính
Định hướng phát triển trong tương lai của 03 thành phố trực thuộc trung ương loại I tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam có 05 thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó:
- 02 thành phố trực thuộc trung ương thuộc đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;
- 03 thành phố trực thuộc trung ương thuộc đô thị loại I là: Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Ngày 22/08/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024 về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, căn cứ điểm c khoản 3 Điều 1 Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, định hướng phát triển trong tương lai của 03 thành phố trực thuộc trung ương loại I là:
(1) Đối với thành phố Hải Phòng:
- Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước;
- Có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững;
- Kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics;
- Trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển;
- Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á;
- Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
(2) Đối với thành phố Đà Nẵng:
- Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ;
- Là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước;
- Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế;
- Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên;
- Trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo;
- Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
(3) Đối với thành phố Cần Thơ:
- Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long;
- Là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao;
- Là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Định hướng phát triển trong tương lai của 03 thành phố trực thuộc trung ương loại I tại Việt Nam (Hình từ Internet)
Định hướng liên kết đô thị - nông thôn của Việt Nam trong tương lai là gì?
Căn cứ quy định tại điểm i khoản 3 Điều 1 Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, định hướng liên kết đô thị - nông thôn của Việt Nam trong tương lai là:
Xây dựng các vùng đô thị lớn, đô thị lớn và cực lớn ở miền Bắc, miền Trung, phía Nam trở thành các cực tăng trưởng chủ đạo quốc gia và thúc đẩy liên kết đô thị - nông thôn với phát triển các ngành, lĩnh vực:
(1) Về giao thông: Các trục hạ tầng giao thông quốc gia, giao thông vùng liên kết vùng đô thị, trung tâm đô thị động lực, lan tỏa ảnh hưởng đến nông thôn; phát triển đô thị TOD trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hình thành các trọng tâm kinh tế - đô thị mới;
(2) Về dịch vụ, thương mại: Tạo liên kết không gian công nghiệp, công nghệ cao, tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ vận tải giao thương quốc tế trong không gian đô thị, nông thôn;
(3) Về du lịch: Tạo lập không gian đô thị gắn với ngành kinh tế du lịch, hình thành chuỗi trung tâm đô thị du lịch cấp quốc gia;
(4) Về giáo dục, đào tạo: Khu vực đô thị, nông thôn đảm bảo phân bố hệ thống giáo dục theo bán kính phục vụ. Hình thành các đô thị đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh;
(5) Nông nghiệp phát triển nông thôn: bảo vệ không gian nông nghiệp, tích hợp với không gian kinh tế, văn hoá, cảnh quan ở vùng nông thôn ven đô thị;
(6) Khoa học công nghệ: phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và thúc đẩy kế hoạch xây dựng mạng lưới đô thị thông minh, nông thôn thông minh;
(7) Về văn hóa: Văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế đô thị - nông thôn, thiết lập chương trình phục hồi giá trị văn hóa, lịch sử lồng ghép với phát triển đô thị - nông thôn kết hợp bảo tồn làng truyền thống;
(8) Về tài nguyên môi trường: Kiểm soát đô thị hóa lan tỏa, phát triển đô thị - nông thôn gắn với phát triển hạ tầng xanh quốc gia, quản lý tài nguyên nước, phục hồi đa dạng sinh học, kiểm soát chất lượng môi trường.
Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là bao nhiêu năm?
Điều 8 Luật Quy hoạch 2017 quy định:
Thời kỳ quy hoạch
1. Thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho việc lập quy hoạch.
2. Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
Căn cứ quy định trên, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm.