Khi nhà thầu vi phạm về đấu thầu, khoản tiền bảo đảm dự thầu sẽ được nộp vào đâu?
Nội dung chính
Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu là bao lâu?
Tại khoản 5 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) có quy định về thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu như sau:
Bảo đảm dự thầu
...
5. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu cộng thêm 30 ngày.
6. Trường hợp gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu. Trong trường hợp này, nhà thầu, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và không được thay đổi nội dung trong hồ sơ dự thầu đã nộp. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư từ chối gia hạn thì hồ sơ dự thầu sẽ không còn giá trị và bị loại; bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày bên mời thầu nhận được văn bản từ chối gia hạn.
7. Trường hợp liên danh tham dự thầu, từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh. Tổng giá trị của bảo đảm dự thầu không thấp hơn giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu. Trường hợp có thành viên trong liên danh vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh không được hoàn trả.
Như vậy, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu là số ngày được quy định trong hồ sơ mời thầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu cộng thêm 30 ngày.
Khoản tiền bảo đảm dự thầu của nhà thầu vi phạm về đấu thầu sẽ được nộp vào đâu? (Hình từ Internet)
Khi nhà thầu vi phạm về đấu thầu, khoản tiền bảo đảm dự thầu sẽ được nộp vào đâu?
Tại khoản 10 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) có quy định khoản tiền bảo đảm dự thầu không được hoàn trả do vi phạm về đấu thầu được xử lý như sau:
- Đối với các dự án, gói thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
- Đối với các dự án, gói thầu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án đầu tư kinh doanh thì được sử dụng theo quy chế tài chính của chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền;
- Trường hợp bên mời thầu là đơn vị tư vấn đấu thầu do chủ đầu tư lựa chọn: phải nộp lại cho chủ đầu tư.
Chủ đầu tư quản lý, sử dụng khoản thu này như đối với các dự án, gói thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước và không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án đầu tư kinh doanh.
Trong trường hợp nào được áp dụng bảo đảm dự thầu?
Tại khoản 2 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) có quy định về bảo đảm dự thầu như sau:
Bảo đảm dự thầu
1. Nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu:
a) Đặt cọc;
b) Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
c) Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
2. Bảo đảm dự thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
b) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư.
...
Như vậy, bảo đảm dự thầu được áp dụng trong 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
Trường hợp 2: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư.