Khi có sự cố rơi thang máy nhà chung cư ai phải chịu trách nhiệm? Chung cư như thế nào thì cần có thang máy?
Nội dung chính
Nhà chung cư là gì?
Căn cứ theo tiểu mục 1.4 Mục 1 QCVN 04:2021/BXDgiải thích thì nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Khi có sự cố rơi thang máy nhà chung cư ai phải chịu trách nhiệm? Chung cư như thế nào thì cần có thang máy? (Hình từ Internet)
Chung cư như thế nào thì cần có thang máy?
Căn cứ theo tiểu mục 2.4 Mục 2 QCVN 04:2021/BXD, nhà chung cư cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Có ít nhất 01 thang máy nếu chung cư có từ 05 tầng trở lên và 01 thang máy cho 200 người sống trong toà nhà hoặc cho 70 căn hộ và tải trọng nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 450 kg.
- Có ít nhất 02 thang máy nếu chung cư có từ 10 tầng trở lên.
- Phải có ít nhất 01 thang máy chuyên dụng đảm bảo vận chuyển được băng ca cấp cứu.
Đồng thời, thang máy phải có thiết bị bảo vệ chống kẹt cửa, bộ cứu hộ tự động và hệ thống điện thoại nội bộ từ cabin ra ngoài và chỉ hoạt động khi tất cả các cửa thang đều đóng.
Đặc biệt, Quy chuẩn này yêu cầu nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải được bảo trì đúng quy định.
Như vậy, căn cứ vào tuỳ diện tích sử dụng, số người sinh sống trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hỗn… để xác định số thang máy cần thiết phải lắp đặt.
Khi có sự cố rơi thang máy nhà chung cư ai phải chịu trách nhiệm?
Căn cứ Điều 32 Quy chế Quản Lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD, người có trách nhiệm bảo trì nhà chung cư được quy định như sau:
(1) Với phần sở hữu riêng
- Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng, đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
- Trường hợp có hư hỏng phần sở hữu riêng mà ảnh hưởng đến các chủ sở hữu khác thì chủ sở hữu có trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng đó, nếu chủ sở hữu không thực hiện sửa chữa thì đơn vị quản lý vận hành hoặc người được giao quản lý nhà chung cư được tạm ngừng hoặc đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ tạm ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước sinh hoạt đối với phần sở hữu riêng này;
(2) Với phần sở hữu chung
- Khi chưa có tổ chức họp hội nghị nhà chung cư lần đầu: việc bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo kế hoạch bảo trì theo quy định
- Sau khi tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu: Việc bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu phải thực hiện theo kế hoạch bảo trì quy định và kế hoạch bảo trì hàng năm do Hội nghị nhà chung cư thông qua theo quy định của Quy chế này.
Nếu có hư hỏng đột xuất hoặc hư hỏng do thiên tai, hỏa hoạn thì Ban quản trị nhà chung cư quyết định việc bảo trì theo quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan nhưng phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư tại cuộc họp gần nhất.
Đặc biệt, việc bảo trì phần xây dựng nhà chung cư phải do đơn vị có năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện; việc bảo trì các hệ thống thiết bị của nhà chung cư phải do đơn vị có năng lực tương ứng với công việc bảo trì thực hiện. Nếu đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có năng lực bảo trì thì có thể thuê đơn vị này thực hiện bảo trì.
Có thể thấy, chung cư nói chung và thang máy nói riêng nếu thuộc sở hữu riêng thì sẽ do chủ sở hữu thực hiện bảo trì, nếu thuộc sở hữu chung thì sẽ bảo trì theo quy trình của chủ đầu tư, nhà cung cấp thiết bị hoặc ban quản trị nhà chung cư quyết định.
Bên cạnh đó, theo Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015, nếu việc rơi thang máy làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người khác thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thiệt hại thực tế xảy ra. Nếu lỗi do người thi công thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.
Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thang máy chung cư bị rơi, cần dựa vào sở hữu của thang máy (sở hữu chung hay riêng) và trách nhiệm bảo trì. Cụ thể:
- Ban quản lý chung cư không xử lý, bảo trì: Nếu thang máy thuộc sở hữu chung và đã thu phí bảo trì từ cư dân, trách nhiệm bồi thường thuộc về ban quản lý chung cư nếu không thực hiện bảo trì kịp thời.
- Lỗi từ bên cung cấp dịch vụ sửa chữa: Nếu bên cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa thang máy có lỗi, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Lỗi do người bị thiệt hại: Nếu người sử dụng thang máy gây hư hỏng do hành vi của mình, họ không được bồi thường thiệt hại do lỗi của bản thân (theo Điều 585 Bộ luật Dân sự).
- Lỗi do yếu tố ngoài ý muốn: Nếu sự cố xảy ra do nguyên nhân ngoài ý muốn liên quan đến tài sản (như cấu trúc tòa nhà), chủ sở hữu hoặc người quản lý tòa nhà phải chịu trách nhiệm bồi thường (theo Điều 605 Bộ luật Dân sự).
Chung quy lại, để xác định ai phải chịu trách nhiệm khi có sự cố rơi thang máy chung cư thì tuỳ vào đối tượng gây thiệt hại để xác định người có trách nhiệm phải bồi thường.