Khái niệm quản trang là gì? Quy định về hệ số phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ
Nội dung chính
Khái niệm quản trang là gì? Quy định về hệ số phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ
Hiện nay, chưa có quy định pháp luật nào định nghĩa khái niệm quản trang, tuy nhiên dựa trên thực tế có thể hiểu khái niệm quản trang là người trông coi, quản lí nghĩa trang.
Theo Điều 3 Thông tư 30/2016/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Quy định áp dụng mức, hệ số phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công việc gồm: Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ; phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ của các đoàn đại biểu đến viếng; tiếp nhận, tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ do các địa phương, đơn vị quy tập bàn giao; khai quật, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định ADN theo quy định; bảo vệ, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên và các công trình khác của nghĩa trang.
Như vậy, từ quy định pháp luật trên, có thể suy ra khái niệm quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ là những người làm những công việc cụ thể là:
(1) Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ;
(2) Phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ của các đoàn đại biểu đến viếng;
(3) Tiếp nhận, tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ do các địa phương, đơn vị quy tập bàn giao;
(4) Khai quật, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định ADN theo quy định;
(5) Bảo vệ, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên và các công trình khác của nghĩa trang.
Người làm các công tác quản trang nói trên tại nghĩa trang liệt sĩ thì được hưởng hệ số phụ cấp độc hại nguy hiểm theo mức 1, hệ số 0,1.
Khái niệm quản trang là gì? Quy định về hệ số phụ cấp độc hại nguy hiểm
đối với quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ (Hình từ internet)
Ai có thẩm quyền quản lý đất nghĩa trang?
Căn cứ theo quy định tại Điều 217 Luật Đất đai 2024 quy định về những trường hợp đất được cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý như sau:
Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý
1. Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là đất chưa giao, chưa cho thuê hoặc đã được giao đất để quản lý, bao gồm:
a) Đất sử dụng vào mục đích công cộng;
b) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, ao, hồ, đầm, phá;
c) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
d) Đất có mặt nước chuyên dùng;
đ) Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
e) Đất do Nhà nước thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý;
g) Đất do Nhà nước thu hồi và giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý trong các trường hợp tại điểm đ khoản 1 và khoản 3 Điều 82; khoản 2 Điều 82 tại khu vực nông thôn; khoản 5 Điều 86; điểm e khoản 2 Điều 181 của Luật này;
h) Đất giao lại, chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao khi không có nhu cầu sử dụng đất thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật có liên quan;
i) Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn;
k) Đất chưa sử dụng.
2. Cơ quan, tổ chức của Nhà nước được giao quản lý quỹ đất quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm quản lý, bảo toàn diện tích đất được giao quản lý; việc sử dụng quỹ đất nêu trên thực hiện theo chế độ sử dụng đất tương ứng theo quy định của Luật này.
Như vậy, căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 217 Luật Đất đai 2024 có quy định đất nghĩa trang do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức Nhà nước được giao quản lý đất nghĩa trang phải chịu trách nhiệm bảo đảm diện tích đất được giao, và việc sử dụng quỹ đất này phải tuân theo chế độ sử dụng đất phù hợp theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Đất làm nghĩa trang có chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không?
Căn cứ theo Điều 2 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định như sau:
Đối tượng chịu thuế
1. Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.
2. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
3. Đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 3 của Luật này sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định như sau:
Đối tượng không chịu thuế
Đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh bao gồm:
1. Đất sử dụng vào mục đích công cộng bao gồm: đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;
2. Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;
3. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;
4. Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
5. Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;
6. Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
7. Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu đất làm nghĩa trang sử dụng vào mục đích kinh doanh thì sẽ chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; nếu đất làm nghĩa trang không sử dụng mục đích kinh doanh thì sẽ không chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.