Hướng dẫn phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công mới nhất

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Mai Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Hướng dẫn phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công mới nhất 2024. Nhà ở thuộc tài sản công bao gồm những nhà ở gì? Ai là đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công?

Nội dung chính

    Hướng dẫn phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công mới nhất 2024

    Căn cứ theo Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định về việc hướng dẫn phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công như sau:

    (1) Việc phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công để thực hiện bán nhà ở này được quy định như sau:

    - Nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở riêng biệt thấp tầng hoặc cao tầng được phân thành 4 cấp (cấp I là cấp cao nhất, cấp IV là cấp thấp) theo bảng dưới đây:

    Cấp nhà và công trình

    Chất lượng sử dụng

    Chất lượng xây dựng

     

     

     

    Độ bền vững

    Độ chịu lửa

    Cấp I

    Bậc I: Chất lượng sử dụng cao

    Bậc I: Niên hạn sử dụng trên 100 năm

    Bậc I, II

    Cấp II

    Bậc II: Chất lượng sử dụng tương đối cao

    Bậc II: Niên hạn sử dụng trên 50 năm

    Bậc III

    Cấp III

    Bậc III: Chất lượng sử dụng trung bình

    Bậc III: Niên hạn sử dụng trên 20 năm

    Bậc III

    Cấp IV

    Bậc IV: Chất lượng sử dụng thấp

    Bậc IV: Niên hạn sử dụng dưới 20 năm

    Bậc V

    - Chất lượng sử dụng của ngôi nhà được xác định theo các yếu tố tiêu chuẩn diện tích, khối tích và việc sử dụng các buồng, phòng;

    + Tiêu chuẩn về trang thiết bị kỹ thuật vệ sinh, thông hơi, thông gió, tiện nghi các lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp thoát nước;

    + Mức độ hoàn thiện bên trong và bên ngoài nhà, trang trí nội, ngoại thất;

    - Độ bền vững và độ chịu lửa của ngôi nhà (căn hộ) được xác định theo các quy định trong tiêu chuẩn TCVN 2622-78 do Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành ngày 30 tháng 12 năm 1978 về phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình, yêu cầu thiết kế. Nội dung cụ thể về chất lượng sử dụng, chất lượng xây dựng tham khảo quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP;

    - Biệt thự là nhà ở riêng biệt có sân vườn (cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, mặt nước), có tường rào và lối ra vào riêng biệt.

    + Trong biệt thự có đầy đủ và hoàn chỉnh các buồng phòng để ở (ngủ, sinh hoạt chung, ăn...), phòng phụ (vệ sinh, bếp, kho, nhà để xe...).

    + Mỗi tầng ít nhất có 2 phòng ở quay mặt ra sân hay vườn.

    + Trang thiết bị kỹ thuật vệ sinh có chất lượng cao hoặc tương đối cao.

    + Giải pháp kiến trúc, mỹ thuật, có trang trí, hoàn thiện bên trong, bên ngoài nhà chất lượng cao hoặc tương đối cao.

    + Ngôi nhà có kết cấu chịu lực: khung cột bê tông hoặc tường gạch chịu lực, sàn gỗ hoặc bê tông có lát vật liệu chất lượng cao.

    + Mái bằng bê tông cốt thép hoặc mái ngói có trần đảm bảo cách âm, cách nhiệt, chống nóng.

    + Việc xác định biệt thự được căn cứ vào tình trạng lúc xây dựng (nguyên thuỷ).

    + Để tính tiền thuê nhà ở thì nhà biệt thự được phân thành 4 hạng, trong đó hạng 1 là thấp nhất, hạng 4 là cao nhất, cụ thể như sau:

    Hạng 1: Biệt thự giáp tường.

    Hạng 2: Biệt thự song đôi (ghép).

    Hạng 3: Biệt thự riêng biệt.

    Hạng 4: Biệt thự riêng biệt sang trọng.

    Việc phân hạng biệt thự quy định tại điểm này được căn cứ vào diện tích sân, vườn rộng hay hẹp, số lượng vật liệu sử dụng tiện nghi, chất lượng kiến trúc;

    - Nhà ở riêng biệt có sân, vườn là nhà ở có chất lượng sử dụng khá hoặc trung bình; diện tích sân, vườn được khai thác để có thêm thu nhập.

    (2) Căn cứ quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

    Như vậy, phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công được thực hiện theo hướng dẫn như quy định trên.

    Hướng dẫn phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công mới nhất 2024

    Hướng dẫn phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công mới nhất 2024 (Hình từ Internet)

    Nhà ở thuộc tài sản công bao gồm những nhà ở gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 quy định nhà ở thuộc tài sản công bao gồm như sau:

    - Nhà ở công vụ bao gồm nhà ở công vụ của trung ương và nhà ở công vụ của địa phương theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về nhà ở nhưng chưa bố trí tái định cư;

    - Nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng để bố trí cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật trong các thời kỳ và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Nhà ở của chủ sở hữu khác được chuyển thành sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023.

    Như vậy, nhà ở thuộc tài sản công bao gồm những nhà ở theo như quy định trên.

    Ai là đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công?

    Căn cứ theo Điều 14 Luật Nhà ở 2023 quy định đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công cụ thể như sau:

    - Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương;

    + Nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý.

    - Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mua hoặc đầu tư xây dựng, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý.

    + Đối với nhà ở thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 do Bộ Quốc phòng đang quản lý cho thuê thì Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu nhà ở, trừ trường hợp chuyển giao nhà ở này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật.

    - Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương khác (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương) là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc cơ quan đó đang quản lý.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023 do địa phương quản lý và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn.

    Như vậy, đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công gồm những cơ quan theo như quy định nêu trên.

    70
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ