Hướng dẫn chẩn đoán, giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ được quy định ra sao?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Hướng dẫn chẩn đoán, giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ được quy định ra sao? Hướng dẫn này được quy định ở đâu hiện nay?

Nội dung chính

    Hướng dẫn chẩn đoán, giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ được quy định ra sao?

    Theo quy định tại Phụ lục 21 ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BYT Quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì:

    1. Định nghĩa

    Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ là tình trạng bệnh lý tổn thương cơ xương khớp, thần kinh, mạch máu chi trên do tác động kéo dài của rung chuyển truyền qua tay trong quá trình lao động.

    2. Yếu tố gây bệnh

    Rung cục bộ truyền qua tay trong quá trình lao động.

    3. Nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc

    - Thao tác với các loại dụng cụ hơi nén cầm tay như búa, dũi, búa tán ri vê, chầy đục phá khuôn, đúc khuôn, máy khoan đá.

    - Sử dụng các máy chạy bằng động cơ loại cầm tay, như máy cưa, máy cắt có, máy khoan; máy tời khoan dầu khí, máy mài nhẵn các vật kim loại, tỳ vật mài lên đá mài quay tròn.

    - Nghề, công việc khác phải tiếp xúc với rung cục bộ.

    4. Giới hạn tiếp xúc tối thiểu

    Gia tốc hoặc vận tốc rung vượt quá giới hạn tiếp xúc ca làm việc theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

    5. Thời gian tiếp xúc tối thiểu

    Phụ thuộc vào gia tốc rung hiệu chỉnh trung bình 8 tiếng:

    - Gia tốc rung hiệu chỉnh 3 - 10 m/s2: 3 năm;

    - Gia tốc rung hiệu chỉnh > 10m/s2: 1 năm.

    6. Thời gian bảo đảm

    - Tổn thương khớp khuỷu: 5 năm;

    - Các tổn thương khác: 1 năm.

    7. Chẩn đoán

    7.1. Lâm sàng

    7.1.1. Triệu chứng xương khớp:

    - Đau khớp xương: âm ỉ, xuất hiện sau khi lao động, hoặc lúc bắt đầu, có thể ngừng đau sau nghỉ ngơi;

    - Khớp: không biến dạng, không sưng. Có thể teo cơ nhẹ quanh khớp;

    - Cử động khớp: bị giới hạn khá rõ rệt khi gấp khớp, hay thay đổi nhẹ khi duỗi.

    7.1.2. Rối loạn vận mạch (bệnh Raynaud nghề nghiệp):

    Bao gồm rối loạn tuần hoàn vận mạch đầu chi và rối loạn cảm giác bàn tay. Bệnh diễn biến làm hai giai đoạn:

    - Giai đoạn đầu: thỉnh thoảng tại một hoặc nhiều đầu ngón tay trắng bệch rồi xanh nhợt, tê cóng khi làm việc trong môi trường lạnh;

    - Giai đoạn hai: đau dấm dứt, thỉnh thoảng đau dữ dội, cảm giác nóng, đôi khi đỏ bừng rồi chuyển sang tím ở các ngón tay;

    - Rối loạn rõ rệt nhất ở ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Ngón cái không bị ảnh hưởng. Có thể có teo cơ ở ô mô út và khoảng liên cốt.

    7.1.3. Tổn thương cân cơ, thần kinh:

    - Các tổn thương có thể gặp là teo cơ mô cái bàn tay hay mô út; mất phản xạ, không có rối loạn cảm giác;

    - Có thể đau ở bàn tay, cẳng tay, cánh tay và vai;

    - Có thể có chuột rút đặc biệt là cơ delta.

    7.2. Cận lâm sàng

    7.2.1. Hình ảnh trên phim X quang

    Có một hoặc nhiều hình ảnh sau:

    - Khuyết xương: Các hốc xương nhỏ hình thành ở các xương cổ tay, hốc xương có hình dạng một vết sáng, tròn, to bằng đầu đinh ghim trở lên. Có khi chỉ có một hốc xương, nhưng thường là nhiều ở trên cùng một xương với hình ảnh da báo, hay trên nhiều xương;

    - Lồi xương, gai xương, dị vật trong khớp: Dị vật có thể gặp trong khớp, do các vỏ xương, sụn xương hay gai xương hình thành, làm biến dạng mặt khớp. Các lồi xương và gai xương xung quanh khớp gặp nhiều hơn, chủ yếu thấy ở khớp khuỷu, ít gặp ở cổ tay, xuất hiện như những tổ chức xương mới bám vào mỏm trên ròng rọc hay mỏm trên lồi cầu, có khi hình thành các u xương thật sự, do sự hóa xương các gân cơ xung quanh khớp gần nơi bám;

    - Sự biến đổi xương về hình dáng và cấu trúc: sự biến đổi này hay gặp ở khuỷu tay, đầu dưới xương cánh tay sưng lên dầy ra toàn bộ hay từng phần, bờ xương gồ ghề, cấu trúc biến đổi. Còn gặp hiện tượng thưa xương, mất vôi hoặc các phản ứng màng xương.

    7.2.2. Nghiệm pháp lạnh: dương tính

    7.2.3. Soi mao mạch: có tình trạng co hay giãn mao mạch. Tuần hoàn chậm lại, nhiều mao mạch biến dạng, số lượng mao mạch giảm, mất hình ảnh búi kim gài tóc.

    7.2.4. Nhiệt độ da: vị trí da có rối loạn vận mạch chênh lệch trên 2°C so với vùng không tổn thương.

    8. Chẩn đoán phân biệt

    Hội chứng Raynaud tiên phát hoặc thứ phát do các nguyên nhân khác.

    9. Hướng dẫn giám định

    TT

    Tổn thương cơ thể

    Tỷ lệ (%)

    1.

    Tổn thương xương thuyền, bán nguyệt (Xquang có hình ảnh loãng xương, khuyết hoặc mất xương)

     

    1.1.

    Xương thuyền

     

    1.1.1.

    Một bên

    11

    1.1.2.

    Hai bên

    21

    1.2.

    Xương, bán nguyệt

     

    1.2.1.

    Một bên

    11

    1.2.2.

    Hai bên

    21

    2.

    Hạn chế vận động khớp

     

    2.1

    Khớp cổ tay một bên

     

    2.1.1.

    Hạn chế chức năng khớp cổ tay ít và vừa (1 hoặc 2 trong 5 động tác)

    11 - 15

    2.1.2.

    Hạn chế chức năng khớp cổ tay nhiều (từ 3 đến 5 động tác)

    21 - 25

    2.1.3.

    Hạn chế các động tác rất nhiều (cứng khớp)

     

    2.1.3.1.

    Cứng khớp tư thế cơ năng (0°)

    21 - 25

    2.1.3.2.

    Cứng khớp tư thế gấp hoặc ngửa tối đa

    31 - 35

    2.1.3.3.

    Cứng khớp tư thế còn lại

    26 - 30

    2.2.

    Khớp khuỷu một bên

     

    2.2.1.

    Cẳng tay gấp, duỗi trong khoảng 5° - 145°

    11 - 15

    2.2.2.

    Cẳng tay gấp duỗi được trong khoảng 0° đến 45°

    31 - 35

    2.2.3.

    Cẳng tay gấp duỗi được trong khoảng trên 45° đến 90°

    26 - 30

    2.2.4.

    Cẳng tay gấp duỗi được trong khoảng trên 90° đến 150°

    51 - 55

    3.

    Hội chứng Raynaud

     

    3.1.

    Ảnh hưởng ít đến sinh hoạt: chỉ có rối loạn cơ năng (đau cách hồi), chưa có rối loạn dinh dưỡng

    21 - 25

    3.2.

    Ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, điều trị ổn định: có rối loạn dinh dưỡng hoặc biến chứng nhẹ (đau thường xuyên)

    31 - 35

    3.3.

    Ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hoặc điều trị không có kết quả

    41 - 45

    Trên đây là nội dung quy định về hướng dẫn chẩn đoán, giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 15/2016/TT-BYT.

    Trân trọng!

    52
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ