Hợp đồng xây dựng là gì? Trường hợp nào chấm dứt hợp đồng xây dựng thì không phải bồi thường thiệt hại?

Hợp đồng xây dựng đươc hiểu như thế nào? Trường hợp nào chấm dứt hợp đồng xây dựng thì không phải bồi thường thiệt hại?

Nội dung chính

    Hợp đồng xây dựng đươc hiểu như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP định nghĩa hợp đồng xây dựng như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
    2. Bên giao thầu là chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư hoặc tổng thầu hoặc nhà thầu chính.
    3. Bên nhận thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính khi bên giao thầu là chủ đầu tư; là nhà thầu phụ khi bên giao thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính. Bên nhận thầu có thể là liên danh các nhà thầu.

    Do đó, hợp đồng xây dựng là thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên: bên giao thầu (có thể là chủ đầu tư, đại diện của chủ đầu tư, tổng thầu, hoặc nhà thầu chính) và bên nhận thầu (có thể là tổng thầu, nhà thầu chính, hoặc nhà thầu phụ). Hợp đồng này quy định việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc trong dự án xây dựng, đảm bảo rõ ràng về các trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan.

    Trường hợp nào phải chấm dứt hợp đồng xây dựng?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng xây dựng như sau:

    - Các tình huống được chấm dứt hợp đồng, quyền được chấm dứt hợp đồng; trình tự thủ tục chấm dứt, mức đền bù thiệt hại do chấm dứt hợp đồng phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và phải phù hợp với quy định của Nghị định này, quy định của pháp luật có liên quan.

    - Trường hợp đã tạm dừng thực hiện hợp đồng mà bên vi phạm hợp đồng không khắc phục lỗi của mình trong khoảng thời gian 56 ngày kể từ ngày bắt đầu tạm dừng theo thông báo, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác và không có lý do chính đáng thì bên tạm dừng có quyền chấm dứt hợp đồng.

    - Trường hợp một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng mà không phải do lỗi của bên kia gây ra, thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.

    - Trước khi một bên chấm dứt hợp đồng thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trước một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không ít hơn 28 ngày, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác và trong đó phải nêu rõ lý do chấm dứt hợp đồng. Nếu bên chấm dứt hợp đồng không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia, thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.

    - Hợp đồng xây dựng không còn hiệu lực kể từ thời điểm bị chấm dứt và các bên phải hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng trong khoảng thời gian theo thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 56 ngày kể từ ngày thông báo chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác. Ngoài thời gian này nếu một bên không làm các thủ tục thanh lý hợp đồng thì bên kia được toàn quyền quyết định việc thanh lý hợp đồng.

    - Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi hợp đồng xây dựng bị chấm dứt, bên nhận thầu phải di chuyển toàn bộ vật tư, nhân lực, máy móc, thiết bị và các tài sản khác thuộc sở hữu của mình ra khỏi công trường, nếu sau khoảng thời gian này bên nhận thầu chưa thực hiện việc di chuyển thì bên giao thầu có quyền xử lý đối với các tài sản này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    Như vậy, hợp đồng xây dựng sẽ chấm dứt khi rơi vào một trong các trường hợp trên.

    Các trường hợp phải chấm dứt hợp đồng xây dựng (Hình từ internet)

    Trường hợp nào chấm dứt hợp đồng xây dựng thì không phải bồi thường thiệt hại?

    Căn cứ theo quy định tại các Khoản 7 và 8 Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP cụ thể:

    - Bên giao thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

    + Bên nhận thầu bị phá sản, giải thể hoặc chuyển nhượng hợp đồng xây dựng cho người hoặc tổ chức khác mà không có sự chấp thuận của bên giao thầu.

    + Bên nhận thầu từ chối thực hiện công việc theo hợp đồng hoặc 56 ngày liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng, dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng, trừ trường hợp được phép của bên giao thầu.

    - Bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

    + Bên giao thầu bị phá sản, giải thể hoặc chuyển nhượng hợp đồng xây dựng cho người hoặc tổ chức khác mà không có sự chấp thuận của bên nhận thầu.

    + Sau 56 ngày liên tục công việc bị dừng do lỗi của bên giao thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    + Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu sau 56 ngày kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    Ngoài ra trong hợp đồng xây dựng các bên giao, nhận thầu có thể thỏa thuận mức thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng và trách nhiệm do vi phạm như sau:

    - Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.

    - Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

    - Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật xây dựng 2014 và pháp luật có liên quan khác.

     (Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 146 Luật xây dựng 2014)

    - Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thực hiện theo quy định từ Khoản 3 đến Khoản 7 Điều 146 Luật Xây dựng 2014, các quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

    - Trường hợp, bên giao thầu thanh toán không đúng thời hạn và không đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán.

    - Lãi chậm thanh toán được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

     

    15