Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Hội nghị nhà chung cư là gì? Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì có bị xử phạt không?

Hội nghị nhà chung cư là gì? Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì có bị xử phạt hành chính không? Điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu là gì?

Nội dung chính

    Hội nghị nhà chung cư là gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Luật Nhà ở 2023 về khái niệm của hội nghị nhà chung cư như sau:

    Hội nghị nhà chung cư

    1. Hội nghị nhà chung cư là hội nghị của các chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu nhà chung cư không tham dự; đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì Hội nghị nhà chung cư bao gồm chủ sở hữu nhà chung cư và người sử dụng nhà chung cư.

    ...

    Như vậy, hội nghị nhà chung cư là cuộc họp giữa các chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà chung cư. Nếu chỉ có một chủ sở hữu, hội nghị sẽ gồm cả chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư.

    Hội nghị nhà chung cư là gì? Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì có bị xử phạt không?

    Hội nghị nhà chung cư là gì? Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì có bị xử phạt không? (Hình từ Internet)

    Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì có bị xử phạt hành chính không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính đối với việc vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư như sau:

    Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư
    3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
    a) Không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định;
    b) Quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành không đúng quy định;
    c) Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định;

    d) Không lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định.

    ...

    Như vậy, đối với hành vi không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì sẽ bị xử phạt và chủ đầu tư sẽ bị phạt hành chính từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng.

    Hành vi này sẽ có mức phạt đồng với các hành vi không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chuẩn, không sử dụng kinh phí quản lý vận hành theo quy định và không lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì.

    Lưu ý:

    Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định trên là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

    Điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu là gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 05/2024/TT-BXD về điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu như sau:

    - Hội nghị phải diễn ra trong vòng 12 tháng kể từ ngày bàn giao nhà, với ít nhất 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua hoặc thuê mua (không tính căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại). Nếu chưa đạt đủ 50% trong thời gian này, hội nghị sẽ được tổ chức khi có đủ số căn hộ đã bàn giao.

    - Đối với cụm nhà chung cư, hội nghị được tổ chức khi ít nhất 50% số căn hộ của mỗi tòa nhà đã được bàn giao và 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ của từng tòa nhà đồng ý nhập tòa nhà vào cụm.

    Hội nghị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức để thực hiện các nội dung gì?

    Hội nghị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu sẽ được tổ chức để quyết định các vấn đề theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Luật Nhà ở 2023 bao gồm:

    - Bầu hoặc miễn nhiệm thành viên Ban quản trị, cùng với việc thông qua, sửa đổi nội quy quản lý và sử dụng nhà chung cư.

    - Xem xét và điều chỉnh quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính của Ban quản trị, đồng thời quyết định mức thù lao cho các thành viên Ban quản trị.

    - Thông qua mức giá dịch vụ quản lý và cách sử dụng kinh phí bảo trì. Nếu trong hợp đồng mua bán không có thỏa thuận về việc phân chia kinh phí bảo trì, hội nghị sẽ quyết định tỷ lệ phân chia này.

    - Quyết định đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư khi không còn chủ đầu tư hoặc nếu chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý.

    - Thông qua kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và báo cáo hoạt động quản lý, bảo trì.

    - Thảo luận các vấn đề khác liên quan đến quản lý và sử dụng nhà chung cư.

    Đối với nhà chung cư chỉ có một chủ sở hữu, hội nghị sẽ chỉ quyết định các vấn đề nêu tại điểm a, b và e khoản 3 Điều 145 Luật Nhà ở 2023:

    - Bầu hoặc miễn nhiệm thành viên Ban quản trị, cùng với việc thông qua, sửa đổi nội quy quản lý và sử dụng nhà chung cư.

    - Xem xét và điều chỉnh quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính của Ban quản trị, đồng thời quyết định mức thù lao cho các thành viên Ban quản trị.

    - Thông qua kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và báo cáo hoạt động quản lý, bảo trì.

    Nếu nhà chung cư thuộc tài sản công, hội nghị sẽ quyết định các vấn đề ở điểm b và e khoản 3 Điều 145 Luật Nhà ở 2023 như sau:

    - Xem xét và điều chỉnh quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính của Ban quản trị, đồng thời quyết định mức thù lao cho các thành viên Ban quản trị.

    - Thông qua kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và báo cáo hoạt động quản lý, bảo trì.

    8