Hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo cải tạo nhà ở như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Cao Thanh An
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo cải tạo nhà ở như thế nào? Quy định về cải tạo nhà ở theo Luật Nhà ở mới nhất. Sau khi bị phá dỡ nhà ở chủ sở hữu nhà ở có được cấp chỗ mới không?

Nội dung chính

    Hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo cải tạo nhà ở như thế nào?

    Căn cứ Điều 110 Luật Nhà ở 2023 quy định về chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo cải tạo nhà ở như sau:

    - Nhà nước hỗ trợ xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở đối với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo sau:

    + Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.

    + Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

    - Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo được thực hiện như sau:

    + Hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách nhà nước;

    + Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội;

    + Hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực có nhà ở tại khu vực nông thôn;

    + Hỗ trợ tặng cho nhà ở đối với đối tượng mà với mức hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 110 Luật Nhà ở 2023 vẫn không có khả năng tài chính để cải thiện nhà ở.

    - Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để hộ gia đình, cá nhân có công với cách mạng.

    - Điều kiện để được hỗ trợ về nhà ở của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định bao gồm:

    + Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát;

    + Có đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất ở, nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.

    (Trên đây là giải đáp cho Hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo cải tạo nhà ở như thế nào?)

    Hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo cải tạo nhà ở như thế nào?

    Hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo cải tạo nhà ở như thế nào? (Hình từ Internet)

    Quy định về cải tạo nhà ở theo Luật Nhà ở mới nhất

    Căn cứ Điều 131 Luật Nhà ở 2023 quy định về cải tạo nhà ở như sau:

    - Chủ sở hữu nhà ở được cải tạo nhà ở thuộc sở hữu của mình; người không phải là chủ sở hữu nhà ở chỉ được cải tạo nhà ở nếu được chủ sở hữu đồng ý.

    - Việc cải tạo nhà ở phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và pháp luật về xây dựng; trường hợp pháp luật quy định phải lập dự án để cải tạo nhà ở thì phải thực hiện theo dự án được phê duyệt. Đối với nhà ở thuộc tài sản công thì việc cải tạo nhà ở còn phải thực hiện theo quy định tại Điều 133 Luật Nhà ở 2023.

    - Đối với nhà biệt thự quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2023 thì việc cải tạo còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về kiến trúc, pháp luật về di sản văn hóa; trường hợp pháp luật quy định phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi cải tạo thì chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà ở phải thực hiện theo văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

    - Đối với nhà biệt thự là nhà ở cũ thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2023 thì còn phải tuân thủ các quy định sau đây:

    + Không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của nhà biệt thự;

    + Không được phá dỡ nếu nhà biệt thự chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự;

    + Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài nhà biệt thự.

    Sau khi bị phá dỡ nhà ở chủ sở hữu nhà ở có được cấp chỗ ở mới không?

    Căn cứ Điều 140 Luật Nhà ở 2023 quy định chỗ ở của chủ sở hữu nhà ở khi nhà ở bị phá dỡ:

    Chỗ ở của chủ sở hữu nhà ở khi nhà ở bị phá dỡ
    1. Chủ sở hữu nhà ở phải tự lo chỗ ở khi nhà ở bị phá dỡ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
    2. Trường hợp phá dỡ nhà ở thuộc trường hợp bị thu hồi đất thì chỗ ở của chủ sở hữu nhà ở được giải quyết theo chính sách về nhà ở phục vụ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.
    3. Trường hợp phá dỡ nhà chung cư thì chỗ ở của chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ nhà ở được giải quyết theo quy định tại Điều 72 của Luật này.

    Theo đó, sau khi bị phá dỡ nhà ở chủ sở hữu nhà ở phải tự lo chỗ ở của mình, ngoại trừ các trường hợp sau:

    - Trường hợp phá dỡ nhà ở thuộc trường hợp bị thu hồi đất thì chỗ ở của chủ sở hữu nhà ở được giải quyết theo chính sách về nhà ở phục vụ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và pháp luật về đất đai.

    - Trường hợp phá dỡ nhà chung cư thì chỗ ở của chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ nhà ở được giải quyết theo quy định bố trí nhà ở phục vụ tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời.

    saved-content
    unsaved-content
    31