13:58 - 12/09/2024

Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện ra sao?

Khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, việc bồi thường tài sản chỉ là một phần. Vậy người dân bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ như thế nào để ổn định cuộc sống?

Nội dung chính

    Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện ra sao?

    Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 88/2024/NĐ-CP thì việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như sau:

    (1) Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 109 Luật Đất đai 2024 là cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp mà tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó và không thuộc các trường hợp sau đây:

    - Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước;

    - Người hưởng lương hưu;

    - Người nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;

    - Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

    (2) Mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm quy định tại Điều 109 Luật Đất đai 2024 do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương nhưng không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 176 Luật Đất đai 2024.

    (3) Đối với cá nhân sử dụng đất do nhận giao khoán đất, cá nhân nhận giao khoán vườn cây sử dụng đất để trồng mới, chăm sóc vườn cây, thu hoạch thuộc đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Đất đai 2024 thì phải có hợp đồng giao khoán.

    Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện ra sao? (Hình ảnh từ internet)

    Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ được quy định ra sao?

    Theo quy định tại Khoản 4 Điều 109 Luật Đất đai 2024 thì việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như sau:

    Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất
    ...
    4. Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ được quy định như sau:
    a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
    b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng được hỗ trợ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quy định tại điểm c khoản này;
    c) Căn cứ kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm tại địa phương. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
    Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi.

    Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải căn cứ vào các chính sách đã được quyết định để xác định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng phải xây dựng và thực hiện các phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, đảm bảo đồng bộ với các phương án bồi thường và tái định cư. Quá trình này yêu cầu sự tham gia và ý kiến đóng góp của người có đất thu hồi, nhằm đảm bảo rằng các giải pháp hỗ trợ là phù hợp và hiệu quả.

    Hỗ trợ ổn định sản xuất cho người sử dụng đất được quy định như thế nào?

    Căn cứ quy định tại Điều 20 Nghị định 88/2024/NĐ-CP thì việc hỗ trợ ổn định sản xuất cho người sử dụng đất được thực hiện như sau:

    (1) Đối tượng được hỗ trợ:

    - Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bị ngừng sản xuất, kinh doanh; có đủ điều kiện được bồi thường về đất;

    - Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối.

    (2) Điều kiện hỗ trợ:

    - Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài được bồi thường về đất.

    - Hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán đất phải có hợp đồng giao khoán.

    (3) Mức hỗ trợ:

    Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp:

    - Hỗ trợ giống cây trồng

    - Giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp

    - Các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y

    - Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi

    - Kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.

    Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.

    Lưu ý: Mỗi tỉnh sẽ mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, định kỳ chi trả tiền hỗ trợ cho phù hợp với thực tế tại địa phương theo quyết định của UBND cấp tỉnh.

    52