Hồ sơ và trình tự chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang trong hoạt động giao thông đường sắt theo Nghị định 144

Hồ sơ và trình tự chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang trong hoạt động giao thông đường sắt theo Nghị định 144

Nội dung chính

Hồ sơ và trình tự chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang trong hoạt động giao thông đường sắt theo Nghị định 144

Ngày 12/06/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Nghị định 144/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.

Lưu ý, Nghị định 144/2025/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 01/03/2027 trừ các trường hợp tại khoản 2 Điều 45 Nghị định 144/2025/NĐ-CP.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 144/2025/NĐ-CP quy định hồ sơ và trình tự chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang trong hoạt động giao thông đường sắt cụ thể như sau:

(1) Khi lập dự án đầu tư xây dựng đường ngang, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương gồm: Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 144/2025/NĐ-CP và bình đồ khu vực xây dựng đường ngang;

(2) Chủ đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang.

- Trường hợp gửi trên môi trường điện tử, hồ sơ đề nghị gồm bản sao điện tử của các tài liệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định 144/2025/NĐ-CP thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Bộ Xây dựng hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia;

(3) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 144/2025/NĐ-CP gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan; nếu hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc phải có văn bản trả lời và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;

(4) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, cơ quan, tổ chức có liên quan phải có văn bản trả lời; quá thời hạn trên, nếu không có ý kiến thì được coi là đồng ý và cơ quan, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình;

(5) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định 144/2025/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang phải có văn bản chấp thuận theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 144/2025/NĐ-CP; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Hồ sơ và trình tự chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang trong hoạt động giao thông đường sắt theo Nghị định 144

Hồ sơ và trình tự chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang trong hoạt động giao thông đường sắt theo Nghị định 144 (Hình từ Internet)

Việc sử dụng đất dành cho đường sắt được quy định thế nào?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Luật Đường sắt 2017 quy định về việc sử dụng đất dành cho đường sắt.

Theo đó, việc sử dụng đất dành cho đường sắt được quy định như sau:

- Đất dành cho đường sắt được dùng để xây dựng công trình đường sắt và bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Trường hợp đất dành cho đường sắt phải sử dụng kết hợp để xây dựng công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội không thể bố trí ngoài phạm vi đất này thì không được làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt và khi thực hiện phải được cấp phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

- Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 12 Luật Đường sắt 2017 có quy định về quản lý đất dành cho đường sắt được quy định như sau:

- Việc quản lý đất dành cho đường sắt do cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Cơ quan quản lý nhà nước quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được giao quản lý đất dùng để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; quản lý việc sử dụng đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Ủy ban nhân dân các cấp quản lý đất dành cho đường sắt đã được quy hoạch, đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt;

- Đất dành cho đường sắt trong phạm vi đất cảng hàng không, sân bay dân dụng, cảng biển được quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Mai Bảo Ngọc
saved-content
unsaved-content
26