Hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá bán nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công

Hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá bán nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công. Giá bán nhà ở xã hội được xác định như thế nào?

Nội dung chính

    Hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá bán nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công

    Căn cứ khoản 2 Điều 35 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Trình tự, thủ tục thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn
    1. Chủ đầu tư trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ (bản sao có chứng thực) đến cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công cấp tỉnh nơi có dự án để đề nghị tổ chức thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội do mình đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều này.
    2. Hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá bao gồm:
    a) Đơn đề nghị thẩm định giá theo mẫu tại Phụ lục I của Nghị định này;
    b) Hồ sơ pháp lý của dự án (gồm có: Chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định giao đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khác; phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Giấy phép xây dựng và các giấy tờ khác có liên quan);
    c) Phương án xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư xây dựng.

    Theo đó, Hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá bán nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công bao gồm:

    - Đơn đề nghị thẩm định giá theo mẫu tại Phụ lục I của Nghị định 100/2024/NĐ-CP;

    - Hồ sơ pháp lý của dự án (gồm có: Chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định giao đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khác; phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Giấy phép xây dựng và các giấy tờ khác có liên quan);

    - Phương án xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư xây dựng.

    Hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá bán nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công

    Hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá bán nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công (Hình từ Internet) 

    Việc bán nhà ở xã hội được thực hiện ra sao?

    Căn cứ khoản 1 Điều 89 Luật Nhà ở 2023, việc bán nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây:

    - Việc bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 3 Điều 88 Luật Nhà ở 2023; việc bán nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 88 Luật Nhà ở 2023;

    - Việc mua bán nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023;

    - Việc ứng tiền trước của người mua nhà ở xã hội được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, phù hợp với tỷ lệ hoàn thành xây dựng công trình nhà ở và tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt nhưng số tiền ứng trước lần đầu không vượt quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc (nếu có), tổng số tiền các lần thanh toán không được vượt quá 70% giá trị hợp đồng đến trước khi bàn giao nhà ở cho người mua và không được vượt quá 95% giá trị hợp đồng đến trước khi người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó;

    - Bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 89 Luật Nhà ở 2023;

    - Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua nhà ở xã hội đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho đối tượng thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế;

    - Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, bên mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho đối tượng có nhu cầu nếu đã được cấp Giấy chứng nhận; bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế, trừ trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì bên bán phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.

    Giá bán nhà ở xã hội được xác định như thế nào?

    Giá bán nhà ở xã hội được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Nhà ở 2023 bao gồm:

    - Tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện (nếu có) trong phạm vi dự án, trừ trường hợp thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt; lãi vay (nếu có); các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật; lợi nhuận định mức quy định tại điểm c khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023;

    - Không được tính các khoản ưu đãi quy định tại các điểm a, b, đ, g và h khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 và kinh phí bảo trì do người mua phải nộp theo quy định tại Điều 152 Luật Nhà ở 2023.

    40