Hệ thống thông tin quốc gia và Hệ thống thông tin thuế có quy trình trao đổi thông tin về hoạt động của DN, đơn vị trực thuộc ra sao?
Nội dung chính
Hệ thống thông tin quốc gia và Hệ thống thông tin thuế có quy trình trao đổi thông tin về hoạt động của DN, đơn vị trực thuộc ra sao?
Quy trình trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc giữa Hệ thống thông tin quốc gia và Hệ thống thông tin thuế được quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
1. Tổng cục Thuế và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thực hiện việc trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc nhằm rà soát, đối chiếu thông tin, phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
2. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực hiện trao đổi theo quy định tại điều này là các trạng thái của doanh nghiệp được cơ quan thuế và Phòng Đăng ký kinh doanh quản lý, theo dõi trên hệ thống ứng dụng nhằm phục vụ các yêu cầu quản lý thuế, quản lý doanh nghiệp.
a) Các trạng thái của doanh nghiệp sử dụng chung giữa hai hệ thống bao gồm:
- Trạng thái “Tạm ngừng kinh doanh”: là trạng thái áp dụng đối với các doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh và có Thông báo tạm ngừng kinh doanh gửi Phòng Đăng ký kinh doanh theo Điều 200 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển trạng thái tạm ngừng kinh doanh trên hệ thống ứng dụng là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh, ngày kết thúc trạng thái tạm ngừng kinh doanh là ngày kết thúc thời gian tạm ngừng kinh doanh đã đăng ký hoặc ngày doanh nghiệp thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.
- Trạng thái “Tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc Chờ giải thể, phá sản”: là trạng thái áp dụng đối với các doanh nghiệp đã gửi Quyết định giải thể đến Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế theo Khoản 3 Điều 202 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; doanh nghiệp bị giải thể theo quyết định giải thể của Tòa án theo Khoản 1 Điều 203 Luật Doanh nghiệp nhưng chưa hoàn thành thủ tục giải thể; doanh nghiệp có Quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; doanh nghiệp không còn kinh doanh ở địa chỉ đã đăng ký và doanh nghiệp ngừng hoạt động (lý do khác). Thời gian xác định chuyển trạng thái chờ giải thể, phá sản là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được Quyết định giải thể doanh nghiệp, Quyết định mở thủ tục phá sản, thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Trạng thái “Đã giải thể, phá sản”: là trạng thái áp dụng đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhập tình trạng pháp lý theo Khoản 8 Điều 202, Khoản 5 Điều 203 Luật Doanh nghiệp; các doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo Khoản 5 Điều 192, Khoản 6 Điều 194, Khoản 5 Điều 195 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp có Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản. Thời gian xác định chuyển trạng thái đã giải thể, phá sản là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhập tình trạng pháp lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Trạng thái “Đang hoạt động”: là trạng thái áp dụng đối với các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không thuộc các trạng thái nêu trên.
Các trạng thái hoạt động của doanh nghiệp quy định tại điểm a Khoản 2 điều này là căn cứ để các bên thống nhất số liệu thống kê và báo cáo về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp.
b) Các trạng thái chi tiết phục vụ yêu cầu quản lý của từng cơ quan thực hiện trao đổi giữa hai Hệ thống được quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Quy trình trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc thực hiện như sau:
a) Trường hợp có sự thay đổi về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc trên Hệ thống thông tin đăng ký thuế, Hệ thống thông tin đăng ký thuế truyền thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, thông tin về việc doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định của Luật quản lý thuế sang Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Danh mục thông tin trao đổi quy định chi tiết tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.
Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện rà soát, cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Sau đó, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp truyền thông tin của các doanh nghiệp đã qua rà soát sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế để cập nhật tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Danh mục thông tin trao đổi quy định chi tiết tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Thông tin truyền từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang Hệ thống thông tin thuế, bao gồm các thông tin sau: doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động; doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động trở lại; doanh nghiệp đăng ký giải thể; đơn vị trực thuộc đăng ký chấm dứt hoạt động. Danh mục thông tin trao đổi quy định chi tiết tại Phụ lục 11, Phụ lục 12, Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Danh mục các tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc trao đổi giữa hai Hệ thống được quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trên đây là nội dung câu trả lời về quy trình trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc giữa Hệ thống thông tin quốc gia và Hệ thống thông tin thuế. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC.