Hàng xóm không cho trát tường thì giải quyết tranh chấp như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Cao Thanh An
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Hàng xóm không cho trát tường thì giải quyết tranh chấp như thế nào? Xây tường chung với nhà hàng xóm có được phá dở không? Hàng xóm lấn chiếm đất đã làm nhà có đòi được không?

Nội dung chính

    Hàng xóm không cho trát tường thì giải quyết tranh chấp như thế nào?

    Căn cứ Điều 248 Bộ luật dân sự 2015 về quy định nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề tức là hàng xóm có đất liền kề như sau:

    Điều 248. Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề
    Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
    1. Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.
    2. Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.
    3. Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

    Như vậy, việc hàng xóm không cho trát tường là hành vi cản trở thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền (là người bị cản trở). Do đó, nếu bị cản trở bạn có thể thương lượng hòa giải với hàng xóm, ví dụ như thỏa thuận liên quan đến vệ sinh và loại trừ các vấn đề gây ảnh hưởng đến hàng xóm như làm rơi sơn, vữa… sang nhà hàng xóm. Nếu không tự hòa giải tranh chấp được thì tiến hành giải quyết tranh chấp như sau:

    - Theo quy định của Điều 194 Luật Nhà ở 2023 thì trước khi khởi kiện giải quyết tranh chấp thì phải hòa giải bắt buộc tại UBND cấp cơ sở.

    - Nếu vẫn không thể hòa giải, bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới UBND cấp xã hoặc khởi kiện ra Tòa án quận/huyện để buộc họ phải đồng ý chấp nhận yêu cầu của bạn.

    Tuy nhiên, đối với trường hợp này nên thương lượng tốt với hàng xóm thay vì giải quyết tranh chấp bằng kiện tụng ra tòa. Ngoài ra, để tránh tình trạng không mong muốn như này xảy ra hãy chủ động thương lượng với hàng xóm liền kề và thảo luận trước với bên chủ thầu về các vấn đề liên quan để kịp thời đưa ra phương hướng xử lý phù hợp.

    (Trên đây là giải đáp cho câu hỏi Hàng xóm không cho trát tường thì giải quyết tranh chấp như thế nào?)

    Hàng xóm không cho trát tường thì giải quyết tranh chấp như thế nào?

    Hàng xóm không cho trát tường thì giải quyết tranh chấp như thế nào? (Hình từ Internet)

    Xây tường chung với nhà hàng xóm thì có quyền được phá dở không?

    Căn cứ Điều 176 Bộ Luật Dân sự 2015 về quy định mốc giới ngăn cách các bất động sản áp dụng cho trường hợp xây nhà có tường chung như sau:

    Điều 176. Mốc giới ngăn cách các bất động sản
    1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
    2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
    Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
    3. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.
    Trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.
    Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, đối với trường hợp xây tường chung với nhà hàng xóm mốc giới là tường nhà chung, hàng xóm không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý. Tóm lại, xây tường chung với nhà hàng xóm thì không được phép phá dở khi có sự đồng thuận của các bên.

    Hàng xóm lấn chiếm đất đã làm nhà có đòi được không theo quy định mới nhất 2025?

    Khi đối mặt với tình huống bị hàng xóm lấn chiếm đất và đã làm nhà trên đó, vậy phần đất bị lấn chiếm đó có đòi lại được không? Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:

    Điều 118. Phá dỡ công trình xây dựng
    1. Việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau:
    [...]
    đ) Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng
    [...]

    Như vậy, trường hợp hàng xóm lấn chiếm đất đã làm nhà vẫn có thể bị phá dở công trình đã xây tại khu vực lấn chiếm và hoàn trả cho người sử dụng đất hợp pháp.

    Hàng xóm lấn chiếm đất phải chịu mức phạt hành chính như thế nào?

    Hàng xóm lấn chiếm đất trái phép, hành vi này phải chịu mức phạt hành chính quy định tại khoản 4, 6 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP như sau:

    Điều 13. Lấn đất hoặc chiếm đất
    [...]
    4. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất phi nông nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta trở lên.
    [...]
    6. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
    [...]

    Như vậy, Hàng xóm lấn chiếm đất trái phép có thể bị phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng đối với địa giới hành chính cấp xã. Mức phạt lên tới gấp đôi nếu người hàng xóm lấn chiếm đất thuộc địa giới hành chính cấp phường, thị trấn.

    saved-content
    unsaved-content
    59