Hạn mức giao đất trồng lúa được quy định thế nào hiện nay?
Nội dung chính
Đất trồng lúa là gì? Hạn mức giao đất trồng lúa được quy định thế nào hiện nay?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024:
Phân loại đất
...
2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác.
...
Thêm vào đó, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp như sau:
Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp
1. Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau:
a) Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên;
b) Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.
...
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Luật Đất đai 2024 quy định như sau đây:
Hạn mức giao đất nông nghiệp
1. Hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định như sau:
a) Không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
...
Như vậy, có thể thấy đất trồng lúa là đất trồng cây hằng năm thuộc nhóm đất nông nghiệp. Là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.
Vì thuộc vào đất trồng cây hằng năm, nên hạn mức giao đất trồng lúa như sau:
- Không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
- Không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Hạn mức giao đất trồng lúa được quy định thế nào hiện nay? (Hình từ Internet)
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa là bao nhiêu ha?
Theo quy định tại Điều 177 Luật Đất đai 2024 quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân như sau:
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân
1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 176 của Luật này.
2. Việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
a) Điều kiện về đất đai và công nghệ sản xuất;
b) Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Theo đó, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa sẽ không quá 15 lần hạn mức giao đất trồng lúa của cá nhân. Như vậy, có thể hiểu hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa như sau:
- Không quá 45 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
- Không quá 30 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Có được phép chuyển đất trồng lúa sang các loại đất trồng công hằng năm khác được không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
...
Các loại đất trồng cây hằng năm khác (đất trồng cây hằng năm mà không phải đất trồng lúa) thuộc loại đất trong nhóm đất nông nghiệp. Nên khi người sử dụng đất muốn chuyển đất trồng lúa sang các loại đất trồng cây hằng năm khác thì phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.