Hà Nội thông qua 3 Dự án cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng
Nội dung chính
Hà Nội thông qua 3 Dự án cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng
Tại kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án xây dựng các cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Ngọc Hồi.
(1) Cầu Tứ Liên
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và hệ thống đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài hơn 5 km, bao gồm:
- Cầu chính vượt sông Hồng dài 1 km, rộng 43 m.
- Cầu vượt sông Đuống dài 0,3 km, rộng 44 m.
- Cầu vượt đê tả Đuống dài 0,08 km, rộng 34 m.
- Cầu dẫn phía quận Tây Hồ dài 1,4 km.
- Cầu dẫn phía huyện Đông Anh dài 0,4 km, rộng 35 m.
- Hầm chui có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, bề rộng 24,5 m, tổng chiều dài 1,265 km.
Dự án gồm 4 hợp phần: 3 dự án giải phóng mặt bằng tại các quận Tây Hồ, Đông Anh, Long Biên và 1 dự án đầu tư xây dựng. Tổng mức đầu tư khoảng 20.171 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2027.
(2) Cầu Trần Hưng Đạo
Cầu Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài khoảng 5,6 km, với điểm đầu tại khu vực đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm) và điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thuận (quận Long Biên).
Cấu trúc chính của cầu: Cầu vượt sông Hồng có kết cấu vòm, gồm 6 nhịp, rộng 43 m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới.
Đường dẫn hai đầu cầu rộng khoảng 30 m, tổng chiều dài 2,25 km.
Tổng mức đầu tư dự kiến gần 16.000 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2025 - 2027.
(3) Cầu Ngọc Hồi
Dự án cầu Ngọc Hồi thuộc tuyến đường Vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội, có tổng chiều dài 7,5 km, bao gồm:
- Cầu chính và cầu dẫn dài 7,2 km, rộng 33 m.
- Đường dẫn đầu cầu phía Hưng Yên dài 300 m, rộng 60 m.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách thành phố và Trung ương, thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030.
UBND thành phố Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án cầu Ngọc Hồi.
Hà Nội thông qua 3 Dự án cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng (Hình ảnh từ Internet)
Nguyên tắc quản lý đầu tư công bao gồm những gì?
Tại Điều 13 Luật Đầu tư công 2024 quy định 5 nguyên tắc quản lý đầu tư công cụ thể như sau:
(1) Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công.
(2) Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của quốc gia, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
(3) Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công.
(4) Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
(5) Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
(1) Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
(2) Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định; quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án không đúng thẩm quyền, không đúng với các nội dung về mục tiêu, địa điểm, vượt mức vốn đầu tư công, vượt mức vốn đầu tư công của ngân sách cấp trên, vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái quy định của pháp luật.
(3) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
(4) Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng.
(5) Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
(6) Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt quyết định đầu tư; thực hiện dự án khi chưa được giao kế hoạch đầu tư công gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
(7) Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
(8) Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án.
(9) Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, dự án.
(10) Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án.
(11) Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.