Giá vé vào cổng của Hoàng Thành Thăng Long là bao nhiêu? Đất Hoàng Thành Thăng Long có phải là đất sử dụng ổn định lâu dài không?
Nội dung chính
Giá vé vào cổng của Hoàng Thành Thăng Long là bao nhiêu?
Dấu son Hoàng thành Thăng Long ra đời vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đồng thời cho xây dựng Kinh thành và hàng loạt công trình cung điện, trong đó nổi bật là Hoàng thành Thăng Long. Khu di tích này phản ánh sự phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam suốt 13 thế kỷ, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18.
Mặc dù trải qua nhiều biến động và không còn giữ lại những tòa thành lộng lẫy hay lầu son gác tía như trước, những di tích và dấu vết còn lại của Kinh đô Thăng Long vẫn mang trong mình giá trị văn hóa và lịch sử to lớn. Chúng là những minh chứng sống động cho hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam thể hiện sự kiên cường và bền bỉ trong suốt các thời kỳ lịch sử.
Theo đó, từ ngày 01/01/2024, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ áp dụng giá vé tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long như sau:
- Đối tượng nộp phí: Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thăm quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long phải nộp phí thăm quan với mức phí là 70.000 đồng/lượt/khách.
- Đối tượng miễn thu phí:
+ Người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật.
+ Trẻ em: Người dưới 16 tuổi.
+ Trường hợp khó xác định là người dưới 16 tuổi thì chỉ cần có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh được là người dưới 16 tuổi như: giấy khai sinh, thẻ học sinh;
+ Trường hợp không có giấy tờ để xác định dưới 16 tuổi thì áp dụng chiều cao dưới 1,3m.
- Đối tượng giảm 50% mức phí:
+ Người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật.
+ Người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên có thẻ người cao tuổi (hoặc thẻ căn cước công dân/ các loại giấy tờ khác chứng minh).
+ Học sinh, học viên, sinh viên từ 16 tuổi trở lên có thẻ học sinh, học viên, sinh viên do các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp.
+ Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa (Trường hợp khó xác định thì chỉ cần có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú), cụ thể:
+ Nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.
+ Người có công với cách mạng.
+ Người thuộc diện chính sách xã hội: Người tàn tật, người già cô đơn; các đối tượng được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội; Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú.
+ Đối với người đồng thời thuộc 2 loại đối tượng giảm phí trở lên thì chỉ giảm 50% mức phí.
Giá vé vào cổng của Hoàng Thành Thăng Long là bao nhiêu? Đất Hoàng Thành Thăng Long có phải là đất sử dụng ổn định lâu dài không? (Hình ảnh từ Internet)
Đất Hoàng Thành Thăng Long thuộc nhóm đất nào?
Trong tiến trình lịch sử trải dài hơn một thiên niên kỷ, di sản Hoàng thành Thăng Long có một giá trị đặc biệt mà những di sản khác ở Việt Nam không có, đó là giá trị văn hóa, lịch sử của cả một dân tộc. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Phân loại đất
…
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác.
Bên cạnh đó, căn cứ thêm vào khoản 1 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định thì việc phân loại đất sẽ căn cứ vào mục đích sử dụng. Theo đó, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
Như vậy, do Hoàng Thành Thăng Long là di tích quốc gia đặc biệt nên đất Hoàng Thành Thăng Long là đất có di tích lịch sử văn hóa nên thuộc đất sử dụng vào mục đích công cộng. Do đó, khi căn cứ vào mục đích sử dụng thì đất Hoàng Thành Thăng Long thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Đất Hoàng Thành Thăng Long có phải là đất sử dụng ổn định lâu dài không?
Căn cứ vào Điều 171 Luật Đất đai 2024 quy định về đất sử dụng ổn định lâu dài như sau:
Đất sử dụng ổn định lâu dài
1. Đất ở.
2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật này.
3. Đất rừng đặc dụng; đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất do tổ chức quản lý.
4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê.
5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 199 của Luật này.
6. Đất quốc phòng, an ninh.
7. Đất tín ngưỡng.
8. Đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
9. Đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh.
10. Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt.
11. Đất quy định tại khoản 3 Điều 173 và khoản 2 Điều 174 của Luật này.
Như vậy, theo quy định tại khoản 9 Điều 171 Luật Đất đai 2024 thì đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh thì là đất sử dụng ổn định lâu dài. Vậy nên, nếu đất có di tích lịch sử văn hóa được sử dụng không vì mục đích kinh doanh thì trường hợp đó đất có di tích lịch sử văn hóa mới là đất sử dụng ổn định lâu dài.
Còn nếu đất có di tích lịch sử văn hóa được sử dụng có mục đích kinh doanh thì đất có di tích lịch sử văn hóa không thuộc trường hợp đất sử dụng ổn định lâu dài.