File Thông tư 26 chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non
Nội dung chính
File Thông tư 26 chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non
Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non được ban hành ngày 08 tháng 10 năm 2018, có hiệu lực từ ngày 23 tháng 11 năm 2018, đến nay vẫn còn hiệu lực.
>>> Tải File Thông tư 26 chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non Tải về
Theo đó, tại Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT có quy định về mục đích ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non như sau:
- Làm căn cứ để giáo viên mầm non tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
- Làm căn cứ để cơ sở giáo dục mầm non đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non; xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non, địa phương và của ngành Giáo dục.
- Làm căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ giáo viên mầm non; lựa chọn và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non cốt cán.
- Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của giáo viên mầm non.
File Thông tư 26 chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn phẩm chất nhà giáo của giáo viên mầm non là gì?
Căn cứ tại Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT có quy định về tiêu chuẩn phẩm chất nhà giáo của giáo viên mầm non như sau:
Tuân thủ các quy định và rèn luyện đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.
(1) Tiêu chí 1. Đạo đức nhà giáo
- Mức đạt: Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo;
- Mức khá: Có ý thức tự học, tự rèn luyện và phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo;
- Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo.
(2) Tiêu chí 2. Phong cách làm việc
- Mức đạt: Có tác phong, phương pháp làm việc phù hợp với công việc của giáo viên mầm non;
- Mức khá: Có ý thức tự rèn luyện, tạo dựng phong cách làm việc khoa học, tôn trọng, gần gũi trẻ em và cha mẹ trẻ em;
- Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc khoa học, tôn trọng, gần gũi trẻ em và cha mẹ trẻ; có ảnh hưởng tốt và hỗ trợ đồng nghiệp hình thành phong cách nhà giáo.
Quy trình đánh giá và xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non như thế nào?
Quy trình đánh giá và xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non được căn cứ tại Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT như sau:
(1) Quy trình đánh giá
- Giáo viên tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non;
- Cơ sở giáo dục mầm non tổ chức lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên được đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non;
- Người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá giáo viên trên cơ sở kết quả tự đánh giá của giáo viên, ý kiến của đồng nghiệp và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của giáo viên thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp.
(2) Xếp loại kết quả đánh giá
- Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ở mức tốt: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 số tiêu chí đạt mức tốt, trong đó các tiêu chí 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 đạt mức tốt;
- Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ở mức khá: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 số tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 đạt mức khá trở lên;
- Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ở mức đạt: Có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức đạt trở lên;
- Chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó).