17:33 - 11/12/2024

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025

Đã có dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025. Các đối tượng nào được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú?

Nội dung chính

    Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025

    Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT (sau đây gọi là dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025).

    Xem dự Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 Tại đây

    Theo nội dung Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, Quy chế này quy định các nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, cũng như quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, áp dụng cho tất cả các hình thức đào tạo. Quy chế cũng đề cập cụ thể đến việc tổ chức kỳ thi phục vụ tuyển sinh và quy trình xét tuyển cho đào tạo chính quy.

    Đối tượng áp dụng bao gồm các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục được phép đào tạo trình độ đại học, trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (gọi chung là cơ sở đào tạo), sở giáo dục và đào tạo, cùng các tổ chức và cá nhân liên quan.

    Cụ thể, điều chỉnh quy định liên quan đến các phương thức tuyển sinh như sau:

    - Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.

    - Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo. Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

    - Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác):

    + Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm;

    + Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm;

    + Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

    - Cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích).

    - Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.

    Đã có dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025. Các đối tượng nào được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú?

    Đã có dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025. Các đối tượng nào được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú? (Hình ảnh từ Internet)

    Các đối tượng nào được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú trong kỳ tuyển sinh đại học?

    Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư 08/2022/TT-BGDDT như sau:

    Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh
    1. Ưu tiên theo khu vực (theo Phụ lục I của Quy chế)
    ...
    c) Các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú:
    - Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước theo quy định;
    - Học sinh có nơi thường trú (trong thời gian học cấp THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 (theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ); các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học cấp THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
    - Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự tuyển, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại các khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ;
    d) Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

    Như vậy, các đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú bao gồm:

    (1) Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú theo chế độ ưu tiên của Nhà nước.

    (2) Học sinh có nơi thường trú trên 18 tháng tại các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi, bãi ngang ven biển, hải đảo, biên giới, hoặc an toàn khu thuộc diện đầu tư Chương trình 135.

    (3) Quân nhân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

    (4) Thí sinh được hưởng ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp.

    Chuyên viên pháp lý Đào Thị Mỹ Hồng
    134
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ