Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 08/2022/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 06/06/2022
Ngày có hiệu lực 22/07/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Hoàng Minh Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2022/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2022

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 7 năm 2022 và thay thế các Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7 tháng 5 năm 2020 ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 6 năm 2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học; Hiệu trưởng trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGD của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Như Điều 3;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, PC, GDĐH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Minh Sơn

 

QUY CHẾ

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON
(Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho các hình thức đào tạo; quy định cụ thể về tổ chức thi phục vụ tuyển sinh, xét tuyển đào tạo hình thức chính quy.

2. Quy chế này áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), sở giáo dục và đào tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phạm vi tuyển sinh là các chương trình, ngành, nhóm ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo được tổ chức tuyển sinh trong một đợt, hoặc theo một phương thức tuyển sinh nhất định.

2. Dự tuyển là việc một thí sinh tham dự quy trình tuyển sinh vào một chương trình đào tạo hoặc một ngành đào tạo của một cơ sở đào tạo, thông qua việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển theo quy định của cơ sở đào tạo (nếu có).

3. Xét tuyển là quy trình xử lý riêng tại các cơ sở đào tạo (hoặc xử lý chung theo nhóm cơ sở đào tạo) để xác định điều kiện trúng tuyển và lập danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào một chương trình đào tạo, ngành đào tạo, căn cứ các tiêu chí xét tuyển do cơ sở đào tạo xác định.

4. Xử lý nguyện vọng là quy trình xử lý trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, trên cơ sở đó lập danh sách thí sinh trúng tuyển.

5. Ngưỡng đầu vào (hay ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào) là yêu cầu tối thiểu về năng lực học tập thể hiện ở kết quả học tập, kết quả thi, đánh giá để thí sinh có khả năng theo học và hoàn thành chương trình đào tạo.

[...]