Dự kiến bỏ xét tuyển sớm 2025? Phương án tuyển sinh đại học 2025 như thế nào?
Nội dung chính
Dự kiến bỏ xét tuyển sớm 2025?
Vừa qua tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2025 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin về việc dự kiến bỏ xét tuyển sớm 2025.
Theo đó, sau khi tiếp nhận ý kiến chuyên gia, thầy cô giáo, Ban soạn thảo quy chế tuyển sinh sẽ trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm 2025.
Khái niệm xét tuyển sớm đề cập đến việc tuyển sinh diễn ra trước thời điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trong đợt xét tuyển chung sau kỳ thi tốt nghiệp, các trường có thể áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, bao gồm xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, điểm các kỳ thi riêng...
Hiện nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ đã được hoàn thiện, đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho việc xét tuyển ở mọi phương thức.
Trước đây, trong dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề xuất quy định rằng các trường chỉ được xét tuyển sớm tối đa 20% chỉ tiêu.
Xét tuyển sớm được hiểu là các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhiều trường đã tổ chức xét tuyển sớm thông qua các phương thức như xét học bạ, sử dụng chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực hoặc tư duy, hoặc kết hợp nhiều tiêu chí khác nhau.
Những năm gần đây, việc xét tuyển sớm diễn ra với sự cạnh tranh cao, đặc biệt ở các trường top đầu. Tuy nhiên, cũng có không ít trường chấp nhận điểm đầu vào khá thấp trong các đợt tuyển sinh này.
Mục tiêu ban đầu của việc tuyển sinh sớm (như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển) là để tuyển được thí sinh vượt trội, tài năng.
Nhưng việc xét tuyển sớm mà các trường đang thực hiện lại phần lớn có lợi cho các em học sinh yếu, khi học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường.
Thậm chí, lâu nay việc xét tuyển sớm còn gây bất lợi, thiếu công bằng cho những thí sinh không có khả năng tham gia kỳ thi riêng, không có điều kiện thi các chứng chỉ.
Dự kiến bỏ xét tuyển sớm 2025? Phương án tuyển sinh đại học 2025 như thế nào? (Hình từ Internet)
Phương án tuyển sinh đại học 2025 như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Dự thảo Thông tư).
Trong đó, khoản 6 Điều 1 Dự thảo Thông tư đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về phương thức tuyển sinh đại học như sau:
(1) Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
(2) Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
(3) Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác):
Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm;
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm;
Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.”
(4) Cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích).
(5) Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.
Như vậy, nếu Dự thảo Thông tư được thông qua, phương án tuyển sinh đại học 2025 sẽ có những thay đổi so với trước đây.
Lưu ý: Dự thảo Thông tư đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến để hoàn thiện.