Doanh nghiệp thuê nhà ở của người dân làm văn phòng là vi phạm pháp luật?

Doanh nghiệp trong nước thuê nhà ở (kiểu nhà ở riêng lẻ) của người dân để làm văn phòng có được không? Văn bản nào quy định về vấn đề này?

Nội dung chính

    Doanh nghiệp thuê nhà ở của người dân làm văn phòng là vi phạm pháp luật?

    Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp. (Theo khoản 2 Điều 2 Luật Nhà ở 2023)

    Trong đó, nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp được hiểu là nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm. (Theo khoản 1 Điều 2 Luật Nhà ở 2023).

    Căn cứ theo khoản 9 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 thì pháp luật chỉ nghiêm cấm sử dụng nhà ở riêng lẻ vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, sinh hoạt của khu dân cư mà không tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh.

    Và theo khoản 8 Điều 5 Luật Nhà ở 2023 quy định việc quản lý, sử dụng nhà ở phải đúng mục đích, công năng sử dụng, đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh, môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tuân thủ quy định về quản lý hồ sơ nhà ở, bảo hành, bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà ở và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở có liên quan.

    Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 10 Luật Nhà ở 2023 thì người sử dụng nhà ở không phải là chủ sở hữu nhà ở được thực hiện quyền trong việc quản lý, sử dụng nhà ở theo thỏa thuận với chủ sở hữu nhà ở. Cụ thể, nếu người sử dụng nhà ở (người thuê nhà) thoả thuận và được sự cho phép của chủ sở hữu nhà cho việc sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và mục đích khác mà pháp luật không cấm như kinh doanh thì người thuê nhà vẫn có thể dùng nhà ở này để thực hiện thành lập văn phòng.

    Như vậy, theo Luật Nhà ở 2023 thì nếu nhà ở định thuê là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh thì doanh nghiệp trong nước có thể thuê làm văn phòng.

    Doanh nghiệp thuê nhà ở của người dân làm văn phòng là vi phạm pháp luật? (Hình ảnh từ Internet)

    Doanh nghiệp thuê nhà ở của người dân làm văn phòng là vi phạm pháp luật? (Hình ảnh từ Internet)

    Doanh nghiệp thuê nhà ở của người dân làm văn phòng có bắt buộc làm hợp đồng không?

    Tại Điều 159 Luật Nhà ở 2023 thì giao dịch về nhà ở bao gồm mua bán, thuê mua, thuê, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.

    Cụ thể, theo Điều 163 Luật Nhà ở 2023 thì việc thuê nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản (hợp đồng) bao gồm các nội dung sau đây:

    - Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

    - Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.

    - Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá;

    - Thời hạn và phương thức thanh toán tiền;

    - Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho thuê nhà ở; thời hạn góp vốn;

    - Quyền và nghĩa vụ của các bên.

    - Cam kết của các bên;

    - Thỏa thuận khác;

    - Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

    - Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

    - Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

    Hợp đồng thuê nhà ở làm văn phòng có bắt buộc công chứng không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 thì hợp đồng thuê nhà ở của người dân làm văn phòng thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

    Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

    18