Điều kiện để tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ là gì?

Điều kiện để tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ là gì? Hồ sơ của tổ chức trong nước đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm những gì?

Nội dung chính

    Điều kiện để tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ là gì?

    Căn cứ tại Điều 31 Nghị định 27/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 136/2021/NĐ-CP quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ như sau:

    Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ
    Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 52 của Luật Đo đạc và bản đồ, có số lượng nhân viên kỹ thuật được đào tạo về đo đạc bản đồ quy định tại Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định này, trong đó có ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có thời gian hoạt động thực tế tối thiểu 05 năm phù hợp với nội dung đề nghị cấp phép

    Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 52 Luật Đo đạc và bản đồ 2018 quy định như sau:

    Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ
    1. Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ;
    b) Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ; có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 năm phù hợp với ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoặc có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I quy định tại Điều 53 của Luật này; không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác;
    c) Có số lượng nhân viên kỹ thuật được đào tạo về đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu thực hiện các nội dung đề nghị cấp giấy phép theo quy định của Chính phủ;
    d) Có phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với quy định trong định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc và bản đồ để thực hiện một sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc nội dung đề nghị cấp giấy phép.
    ...

    Như vậy, tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ khi có đủ các điều kiện sau đây:

    - Đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ;

    - Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ;

    + Có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 năm phù hợp với ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoặc có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I quy định tại Điều 53 Luật Đo đạc và bản đồ 2018;

    + Không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác;

    - Có số lượng nhân viên kỹ thuật được đào tạo về đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu thực hiện các nội dung đề nghị cấp giấy phép theo quy định của Chính phủ;

    - Có phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với quy định trong định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc và bản đồ để thực hiện một sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc nội dung đề nghị cấp giấy phép.

    Điều kiện để tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ là gì?

    Điều kiện để tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ là gì?(Hình ảnh Internet)

    Hồ sơ của tổ chức trong nước đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm những gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 27/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 136/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của đơn vị sự nghiệp bao gồm:

    - Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo Mẫu số 04 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này;

    - Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ đối với các tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

    - Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ, bản khai quá trình công tác của người phụ trách kỹ thuật theo Mẫu số 05 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 136/2021/NĐ-CP hoặc chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I;

    Hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; quyết định bổ nhiệm của người phụ trách kỹ thuật;

    - Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về đo đạc và bản đồ kèm theo hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của các nhân viên kỹ thuật đo đạc và bản đồ;

    Bản khai quá trình công tác của ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có thời gian hoạt động thực tế tối thiểu 05 năm phù hợp với nội dung đề nghị cấp phép theo Mẫu số 05 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 136/2021/NĐ-CP ;

    - Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh sở hữu phương tiện đo, thiết bị, chứng minh sở hữu hoặc quyền sử dụng phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ; giấy kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo còn hiệu lực.

    Danh mục phương tiện đo, thiết bị, phần mềm phù hợp với nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép theo Phụ lục IC ban hành kèm theo Nghị định 136/2021/NĐ-CP;

    Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có thời hạn là bao lâu?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ như sau:

    Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ
    1. Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cấp cho tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Luật Đo đạc và bản đồ. Giấy phép có thời hạn là 05 năm, mỗi lần gia hạn là 05 năm.
    Giấy phép cấp cho nhà thầu nước ngoài phải thể hiện địa bàn hoạt động, có thời hạn theo thời gian thực hiện nội dung về đo đạc và bản đồ trong gói thầu. Giấy phép được gia hạn theo thời gian gia hạn để thực hiện nội dung về đo đạc và bản đồ trong gói thầu.

    Như vậy, giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có thời hạn là 05 năm và mỗi lần gia hạn là 05 năm.

    18