Để xem thông tin mẫu nước theo phiếu lấy mẫu nước người dân phải trả phí bao nhiêu?

Để xem thông tin mẫu nước theo phiếu lấy mẫu nước người dân phải trả phí bao nhiêu? Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là gì?

Nội dung chính

    Để xem thông tin mẫu nước theo phiếu lấy mẫu nước người dân phải trả phí bao nhiêu?

    Ngày 31/07/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2024/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

    Trong đó, căn cứ Phụ lục biểu mức phí thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ hệ thống thông tin quốc gia về đất đai kèm theo Thông tư 56/2024/TT-BTC, chi phí truy cập và sử dụng thông tin mẫu nước (cho 01 mẫu nước) theo Phiếu lấy mẫu nước dưới hình thức trang tài liệu scan (quét) hoặc trang tài liệu số là 8.200 đồng.

    Lưu ý: Mức thu trên áp dụng cho 05 trang tài liệu đầu tiên. Từ trang thứ 06 trở đi thì mức thu là 900 đồng/trang.

    Để xem thông tin mẫu nước theo phiếu lấy mẫu nước người dân phải trả phí bao nhiêu?

    Để xem thông tin mẫu nước theo phiếu lấy mẫu nước người dân phải trả phí bao nhiêu? (Hình từ Internet)

    Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là gì? Nhà nước có trách nhiệm gì trong việc cung cấp thông tin đất đai?

    Căn cứ quy định tại khoản 23 Điều 3 Luật Đất đai 2024, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu được xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước để quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin đất đai.

    Đồng thời, Điều 18 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai
    1. Bảo đảm quyền tiếp cận của người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác đối với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật; ưu tiên lựa chọn hình thức phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng vùng.
    2. Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cho người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
    3. Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đến người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.

    Như vậy, Luật Đất đai 2024 quy định Nhà nước có 03 trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đất đai như trên.

    Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm gì trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai?

    Điều 170 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai
    1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:
    a) Tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại trung ương và xây dựng phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bảo đảm đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác;
    b) Quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại trung ương;
    c) Xây dựng, cập nhật dữ liệu đất đai cấp vùng, cả nước và cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai ở trung ương;
    d) Tích hợp, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trên phạm vi cả nước;
    đ) Kết nối, chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành, địa phương và cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
    e) Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai.
    ...

    Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 06 trách nhiệm như trên đối với việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

    Việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được quy định như thế nào?

    Khoản 5 Điều 166 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Quản lý, vận hành, khai thác và kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
    ...
    5. Việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được quy định như sau:
    a) Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp;
    b) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
    c) Người sử dụng đất được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
    d) Tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại điểm b và điểm c khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật;
    đ) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, khai thác thông tin, dữ liệu về đất đai theo quy định của pháp luật. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phản hồi, cung cấp, bổ sung thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
    e) Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải trả phí khai thác, sử dụng tài liệu đất đai và giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về đất đai theo quy định;
    g) Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giá sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật về giá.
    ...

    Như vậy, việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định trên.

    12