Đất xây dựng trụ sở cơ quan là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp?
Nội dung chính
Đất xây dựng trụ sở cơ quan là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp?
Căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định phân loại đất như sau:
Điều 9. Phân loại đất
1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác.
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
...
Như vậy, đất xây dựng trụ sở cơ quan thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Do đó, đất xây dựng trụ sở cơ quan là đất phi nông nghiệp.
Đất xây dựng trụ sở cơ quan là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp? (Hình từ Internet)
Đất xây dựng trụ sở cơ quan được miễn thuế đất phi nông nghiệp không?
Căn cứ tại Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định về đối tượng không chịu thuế như sau:
Điều 3. Đối tượng không chịu thuế
Đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh bao gồm:
1. Đất sử dụng vào mục đích công cộng bao gồm: đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;
2. Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;
3. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;
4. Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
5. Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;
6. Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
7. Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, như quy định nêu trên thì đất xây dựng trụ sở cơ quan là một trong những đối tượng được miễn thuế, theo quy định của pháp luật.
Mặc khác, căn cứ vào khoản 3 Điều 2 Luật Tuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010, quy định về đối tượng chịu thuế nư sau:
Điều 2. Đối tượng chịu thuế
1. Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.
2. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
3. Đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 3 của Luật này sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Như vậy, trường hợp nếu đất xây dựng trụ sở cơ quan được sử dụng vào mục đích kinh doanh thì vẫn xem là đối tượng chịu thuế.
Diện tích đất tính thuế được quy định như thế nào?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 6 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010, quy định về diện tích đất tính thuế như sau:
- Diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế sử dụng.
Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích các thửa đất tính thuế.
Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng khu công nghiệp thì diện tích đất tính thuế không bao gồm diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung;
- Đối với đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư bao gồm cả trường hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh thì diện tích đất tính thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Hệ số phân bổ được xác định bằng diện tích đất xây dựng nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư chia cho tổng diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Trường hợp nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư có tầng hầm thì 50% diện tích tầng hầm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong tầng hầm được cộng vào diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng để tính hệ số phân bổ;
- Đối với công trình xây dựng dưới mặt đất thì áp dụng hệ số phân bổ bằng 0,5 diện tích đất xây dựng chia cho tổng diện tích công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Đối với đất được giao quản lý ai là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước?
Căn cứ theo Điều 7 Luật Đất đai 2024 quy định người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao quản lý như sau:
(1) Người đại diện của tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức trong nước được giao quản lý công trình công cộng và hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức trong nước được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;
- Tổ chức trong nước được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
(3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa giao cho đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quản lý.
(4) Người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.