Đất xây dựng trụ sở cơ quan là gì? Nhà nước giao đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước có thu tiền sử dụng đất không?
Nội dung chính
Đất xây dựng trụ sở cơ quan là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định:
Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
...
2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan là đất sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở của cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên, trừ đất xây dựng trụ sở cơ quan của đơn vị sự nghiệp công lập gắn liền với công trình sự nghiệp quy định tại khoản 4 Điều này.
...
Như vậy, đất xây dựng trụ sở cơ quan là loại đất sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở của các cơ quan như:
- Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam
- Cơ quan nhà nước
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Tổ chức chính trị - xã hội
- Tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp
- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp
- Tổ chức xã hội và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên.
Quy định này không áp dụng cho đất xây dựng trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn liền với công trình sự nghiệp, được quy định riêng tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP
Đất xây dựng trụ sở cơ quan là gì? Nhà nước giao đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước có thu tiền sử dụng đất không? (Ảnh từ Internet)
Nhà nước giao đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước có thu tiền sử dụng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2024 quy định:
Giao đất không thu tiền sử dụng đất
1. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này.
2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên; đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, đất cơ sở lưu giữ tro cốt không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật này; đất tín ngưỡng để bồi thường cho trường hợp Nhà nước thu hồi đất tín ngưỡng.
3. Người sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
Như vậy, đối với đất giao xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, Nhà nước sẽ không thu tiền sử dụng đất.
Quyền của công dân đối với đất đai được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 23 Luật Đất đai 2024 thì quyền của công dân đối với đất đai được quy định như sau:
- Quyền tham gia xây dựng, góp ý và giám sát việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai: Công dân có quyền đóng góp ý kiến, giám sát trong quá trình xây dựng các chính sách, pháp luật về đất đai, đồng thời có quyền theo dõi, giám sát việc thực hiện những chính sách, pháp luật này.
- Quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai: Công dân được quyền tham gia vào công tác quản lý nhà nước về đất đai thông qua việc góp ý, thảo luận, kiến nghị và phản ánh với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất.
- Quyền bình đẳng và bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai: Công dân có quyền bình đẳng trong việc quản lý và sử dụng đất, không phân biệt giới tính, đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của cả nam và nữ trong việc sở hữu và sử dụng đất đai.
- Quyền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: Công dân có quyền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án sử dụng đất theo quy định pháp luật. Ngoài ra, công dân cũng có quyền đề nghị Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tùy thuộc vào các quy định của pháp luật hiện hành. Quyền này mở ra cơ hội cho công dân tiếp cận đất đai thông qua cơ chế thị trường, giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
- Quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn và thuê quyền sử dụng đất: Công dân có quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai, bao gồm nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, thừa kế, góp vốn hoặc thuê quyền sử dụng đất. Đồng thời, công dân có thể mua bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các quyền của người sử dụng đất: Công dân có quyền thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Các quyền này bao gồm quyền sử dụng, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, tặng cho, thừa kế, góp vốn, v.v., tùy thuộc vào loại đất và mục đích sử dụng.
XEM THÊM: Đất xây dựng trụ sở cơ quan nào là đất sử dụng ổn định lâu dài theo quy định của Luật Đất đai mới?