Đất rừng sản xuất là gì? Đất rừng sản xuất có thể sử dụng để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không?

Đất rừng sản xuất là gì? Đất rừng sản xuất có được phép dùng để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không?

Nội dung chính

    Đất rừng sản xuất là gì?

    Căn cứ tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về phân loại đất như sau:

    Phân loại đất
    1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
    2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
    b) Đất trồng cây lâu năm;
    c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
    d) Đất nuôi trồng thủy sản;
    đ) Đất chăn nuôi tập trung;
    e) Đất làm muối;
    g) Đất nông nghiệp khác.

    Theo đó, đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp.

    Hiện nay đất rừng sản xuất được phân loại thành:

    - Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên: Đất có rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên

    - Đất rừng sản xuất là rừng trồng: Đất có rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.

    Đất rừng sản xuất là gì? Đất rừng sản xuất có thể sử dụng để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không? (Hình từ Internet)

    Đất rừng sản xuất có thể sử dụng để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí không?

    Căn cứ tại Điều Điều 32 Nghị định 156/2018/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất như sau:

    Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất
    1. Chủ rừng là ban quản lý rừng đặc dụng và ban quản lý rừng phòng hộ được Nhà nước giao rừng sản xuất, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao, cho thuê rừng sản xuất, tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp đang quản lý rừng sản xuất được tự tổ chức hoặc hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này.
    2. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được tự tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

    Theo đó, đất rừng sản xuất có thể sử dụng để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cụ thể trong các trường hợp sau:

    Chủ rừng được cho tổ chức cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và theo các quy định khác của pháp luật.

    Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được tự tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

    Đối tượng nào được Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất để thực hiện dự án trồng rừng sản xuất?

    Căn cứ theo khoản 5 Điều 184 Luật Đất đai 2024 quy định đất rừng sản xuất như sau:

    Đất rừng sản xuất
    1. Nhà nước giao đất rừng sản xuất không thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng sau đây:
    a) Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thường trú trên địa bàn cấp xã nơi có đất rừng sản xuất là rừng trồng đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất quy định tại điểm b khoản 3 Điều 176 của Luật này; đối với phần diện tích đất rừng sản xuất là rừng trồng vượt hạn mức giao đất thì phải chuyển sang thuê đất;
    b) Cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã nơi có đất rừng sản xuất mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng;
    c) Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đóng trên địa bàn cấp xã nơi có đất rừng sản xuất mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng;
    d) Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích đất rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ.
    ...
    5. Nhà nước cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất rừng sản xuất để thực hiện dự án trồng rừng sản xuất.

    Theo đó, đối tượng được Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất để thực hiện dự án trồng rừng sản xuất đó là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

    Hạn mức giao đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định là bao nhiêu ha?

    Căn cứ theo điểm a khoản 3, khoản 4 Điều 176 Luật Đất đai 2024 quy định hạn mức giao đất nông nghiệp như sau:

    Hạn mức giao đất nông nghiệp
    ...
    3. Hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất:
    a) Đất rừng phòng hộ;
    b) Đất rừng sản xuất là rừng trồng.
    4. Cá nhân được giao nhiều loại đất trong các loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 ha; trường hợp được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá 25 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi; trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 ha.
    ...

    Theo đó, hạn mức giao đất rừng sản xuất là rừng trồng cho cá nhân là không quá 30 ha. Trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 ha.

    40