Đất nhà chùa đang sử dụng là đất tôn giáo hay đất tín ngưỡng? Nhà chùa có quyền bán đất trong khuôn viên chùa không?
Nội dung chính
Đất nhà chùa đang sử dụng là đất tôn giáo hay đất tín ngưỡng?
Căn cứ khoản 1 Điều 212 Luật Đất đai 2024 quy định đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng bao gồm đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ; chùa không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 213 Luật Đất đai 2024; các công trình tín ngưỡng khác.
Căn cứ khoản 1 Điều 213 Luật Đất đai 2024 quy định đất tôn giáo bao gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác.
Theo quy định trên, đất nhà chùa đang sử dụng có thể được phân loại là đất tôn giáo hoặc đất tín ngưỡng, tùy thuộc vào mục đích sử dụng và tổ chức quản lý. Có thể hiểu như sau:
- Đất tín ngưỡng: Nếu chùa không thuộc sự quản lý của một tổ chức tôn giáo hợp pháp mà phục vụ tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân cư, trong trường hợp này đất nhà chùa sẽ được coi là đất tín ngưỡng.
- Đất tôn giáo: Nếu chùa được quản lý bởi một tổ chức tôn giáo hợp pháp, phục vụ cho mục đích tôn giáo cụ thể, trường hợp này đất nhà chùa sẽ là được xem là đất tôn giáo.
Như vậy, để xác định chính xác đất nhà chùa đang sử dụng là đất tôn giáo hay đất tín ngưỡng thì cần phải làm rõ chùa đó có thuộc tổ chức tôn giáo nào hay chỉ phục vụ tín ngưỡng cộng đồng.
Đất nhà chùa đang sử dụng là đất tôn giáo hay đất tín ngưỡng? Nhà chùa được bán đất trong khuôn viên chùa để tu tạo lại chùa không? (Hình từ Internet)
Đất nhà chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có được cấp sổ đỏ không?
Căn cứ khoản 1 Điều 213 Luật Đất đai 2024 quy định đất tôn giáo bao gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 213 Luật Đất đai 2024 quy định Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 145 Luật Đất đai 2024 quy định diện tích đất của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi đã xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 145 Luật Đất đai 2024 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài và hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước cho phép hoạt động;
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau.
Trường hợp đất do tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo toàn quốc của Việt Nam (tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp), vì vậy theo quy định trên đất của nhà chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sử dụng được xem là đất tôn giáo.
Như vậy, đất nhà chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang sử dụng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài và hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện như đất không có tranh chấp, không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau và đáp ứng các yêu cầu về trình tự xác định đất, hồ sơ thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Lưu ý, cần phân biệt đất tôn giáo có hai loại là đất xây dựng (đất để xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc) và đất không xây dựng (đất không sử dụng để xây dựng). Đối với đất xây dựng thì được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, đất không xây dựng thì được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.
Nhà chùa có quyền bán đất trong khuôn viên chùa không nếu đây là đất tôn giáo?
Căn cứ khoản 2 Điều 32 Luật Đất đai 2024 quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Đất đai 2024 quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm có quyền bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 46 Luật Đất đai 2024. Người mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được tiếp tục thuê đất theo mục đích đã được xác định và thời hạn sử dụng đất còn lại, được kế thừa các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Như đã phân tích trên, đất tôn giáo dạng xây dựng thì được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, đất tôn giáo không xây dựng thì được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm. Pháp luật quy định đất tôn giáo được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất mặc định không được chuyển nhượng. Còn đối với đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm thì chỉ được quyền bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất khi đáp ứng điều kiện quy định.
Như vậy, đối với đất chùa thuộc đất tôn giáo thì không được quyền bán dù là đất trong khuôn viên chùa.