Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm những loại đất nào?

Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm những loại đất nào? Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm những quy định nào?

Nội dung chính

    Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm những loại đất nào?

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 44 Luật Đường bộ 2024 định nghĩa về đường bộ cao tốc như sau:

    Đường bộ cao tốc (sau đây gọi là đường cao tốc) là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông theo quy định của pháp luật, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định, có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình.

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 44 Luật Đường bộ 2024 quy định về quy định chung đối với đường bộ cao tốc như sau:

    Quy định chung đối với đường bộ cao tốc
    ...
    2. Đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được xác định trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
    3. Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm:
    a) Đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 của Luật này;
    b) Đất để xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.

    Như vậy, đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm:

    - Đất của đường bộ gồm phần đất để xây dựng công trình đường bộ và phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ;

    - Đất để xây dựng bến xe; bãi đỗ xe; điểm dừng xe, đỗ xe; trạm dừng nghỉ; các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ;

    - Đất để xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.

    Xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm những loại đất nào?

    Xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm những loại đất nào? (Hình từ Internet)

    Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm những quy định nào?

    Căn cứ vào khoản 5 Điều 28 Luật Đường bộ 2024 về việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:

    - Phù hợp với quy hoạch;

    - Bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp kỹ thuật của đường bộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường và có giải pháp đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; có giải pháp thiết kế, xây dựng công trình để phục vụ người khuyết tật, người già và các đối tượng khác tham gia giao thông thuận lợi, an toàn;

    - Công trình đường bộ có thể phân kỳ theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư;

    - Trường hợp đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ liên quan đến đê, hành lang bảo vệ nguồn nước, lòng, bờ, bãi sông, hồ phải bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật về đê điều và an toàn đê điều; bảo đảm không gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, không gây cản trở dòng chảy; hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai, biến đổi khí hậu.

    Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng đồng bộ với các công trình nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 47 Luật Đường bộ 2024 quy định về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc như sau:

    Đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc
    1. Việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc phù hợp với quy định tại Điều 28 của Luật này.
    2. Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và đầu tư, xây dựng đồng bộ các công trình sau đây:
    a) Đường gom hoặc đường bên;
    b) Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc;
    c) Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe;
    d) Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ;
    đ) Công trình kiểm soát tải trọng xe.

    Như vậy, đường cao tốc được đầu tư, xây dựng đồng bộ với các công trình sau:

    - Đường gom hoặc đường bên;

    - Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc;

    - Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe;

    - Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ;

    - Công trình kiểm soát tải trọng xe.

    Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025

    27