Đất CLN là gì, thuộc nhóm đất nào? Đất CLN không được sử dụng có bị thu hồi không?

Đất CLN là gì, thuộc nhóm đất nào? Đất CLN không được sử dụng có bị thu hồi không và căn cứ vào đâu để xác định là đất CLN

Nội dung chính

    Đất CLN là gì, thuộc nhóm đất nào?

    Căn cứ theo Điều 9 Luật Đất đai 2024 có quy định về phân loại đất như sau:

    Phân loại đất
    1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
    2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
    b) Đất trồng cây lâu năm;
    c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
    d) Đất nuôi trồng thủy sản;
    đ) Đất chăn nuôi tập trung;
    e) Đất làm muối;
    g) Đất nông nghiệp khác.
    3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
    b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
    c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
    d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
    đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
    e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
    g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
    h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
    i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
    k) Đất phi nông nghiệp khác.
    4. Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê.
    5. Chính phủ quy định chi tiết các loại đất tại Điều này.

    Như vậy, đất được phân ra 3 nhóm đất: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng.

    Trong đó, nhóm đất nông nghiệp sẽ bao gồm các loại đất và được ký hiệu theo tiểu mục 13 Mục III Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT như sau:

    Đất CLNĐất CLN

    Xem chi tiết Tiểu mục 13 Mục III Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp
    ...
    2. Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.

    Theo đó, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất CLN (đất trồng cây lâu năm) được hiểu là đất trồng cây gieo trồng một lần được sinh trưởng và thu hoạch trong nhiều năm.

    Như vậy, căn cứ tiểu mục 13 Mục III Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT thì đất DLN là đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp.

    Đất CLN là gì, thuộc nhóm đất nào? Đất CLN không được sử dụng có bị thu hồi không? (Ảnh từ Internet)Đất CLN là gì, thuộc nhóm đất nào? Đất CLN không được sử dụng có bị thu hồi không? (Ảnh từ Internet)

    Đất CLN không được sử dụng có bị thu hồi không?

    Những trường hợp thu hồi đất do vi phạm được quy định tại Điều 81 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
    1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
    2. Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.
    3. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
    4. Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.
    5. Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.
    6. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
    7. Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
    8. Đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
    9. Các trường hợp quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều này không áp dụng đối với trường hợp bất khả kháng.
    10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Đồng thời căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 24 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Không sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục
    2. Hành vi không sử dụng đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
    ...
    4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    Buộc người sử dụng đất phải đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 60 ngày đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2; thời hạn 90 ngày đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

    Như vậy, đối với trường hợp đất CLN không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục thì sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 20.000.000 đồng từ 01 héc ta trở lên.

    Lưu ý, mức xử phạt trên là mức xử phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP.

    Như vậy, theo khoản 7 Điều 81 Luật Đất đai 2024 quy định nếu đất CLN (đất trồng cây lâu năm) không sử dụng trường thời hạn 18 tháng và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị thu hồi.

    Căn cứ vào đâu để xác định là đất CLN?

    Theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2024 việc xác định đất CLN (đất trồng cây lâu năm) được quy định như sau:

    Xác định loại đất

    1. Việc xác định loại đất dựa trên một trong các căn cứ sau đây:

    a) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
    b) Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này;
    c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này.
    2. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này và trường hợp loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định của Luật này hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.

    Như vậy, việc xác định đất CLN chủ yếu dựa vào các giấy tờ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các quyết định giao đất, cho thuê đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất từ cơ quan có thẩm quyền.

    Nếu không có giấy tờ hoặc loại đất ghi trên giấy tờ không phù hợp với quy định pháp luật hay hiện trạng sử dụng đất, loại đất sẽ được xác định theo quy định của Chính phủ.

    19