Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đối với dự án PPP được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đối với dự án PPP được quy định như thế nào?
Tại Điều 38 Nghị định 25/2020/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 20/04/2020) quy định về đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đối với dự án PPP như sau:
- Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:
+ Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
+ Kiểm tra các thành phần của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm: Đơn dự thầu thuộc đề xuất về kỹ thuật, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của người ký đơn dự thầu (nếu có); tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư (đối với dự án không áp dụng sơ tuyển); đề xuất về kỹ thuật; các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
+ Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.
- Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của nhà đầu tư được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:
+ Có bản gốc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
+ Có đơn dự thầu thuộc đề xuất về kỹ thuật được đại diện hợp pháp của nhà đầu tư ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với nhà đầu tư liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;
+ Hiệu lực của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;
+ Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
+ Không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ đề xuất về kỹ thuật với tư cách là nhà đầu tư độc lập hoặc thành viên trong liên danh;
+ Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có);
+ Nhà đầu tư không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
+ Nhà đầu tư bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 5 của Luật Đấu thầu.
- Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:
+ Đối với dự án đã áp dụng sơ tuyển, nhà đầu tư phải có cam kết bằng văn bản về việc vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án. Trường hợp có sự thay đổi so với thông tin kê khai trong hồ sơ dự sơ tuyển, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư phải được cập nhật và tổ chức đánh giá theo tiêu chuẩn và phương pháp trong hồ sơ mời sơ tuyển;
+ Đối với dự án không áp dụng sơ tuyển, việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thực hiện theo tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về năng lực và kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu.
- Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ, đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm được xem xét, đánh giá chi tiết về kỹ thuật.
- Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
+ Việc đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật nêu trong hồ sơ mời thầu;
+ Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì được xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại.