Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn những ai tại kỳ họp Quốc hội? Trình tự chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được quy định như thế nào?

Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn những ai tại kỳ họp Quốc hội? Trình tự chất vấn tại kỳ họp Quốc hội của đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn những ai tại kỳ họp Quốc hội?

    Căn cứ Điều 32 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định quyền chất vấn như sau:

    Quyền chất vấn
    1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
    2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.
    3. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.

    Như vậy, đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn các đối tượng sau:

    - Chủ tịch nước

    - Chủ tịch Quốc hội

    - Thủ tướng Chính phủ

    - Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ

    - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

    - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

    - Tổng Kiểm toán nhà nước

    Lưu ý: Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

     Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn những ai tại kỳ họp Quốc hội? Trình tự chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Trình tự chất vấn tại kỳ họp Quốc hội của đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào?

    Căn cứ khoản 3 Điều 50 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định chất vấn của đại biểu Quốc hội:

    Chất vấn của đại biểu Quốc hội
    ...
    3. Trình tự chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 26 của Luật này, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
    Trường hợp đại biểu Quốc hội gửi chất vấn trực tiếp bằng văn bản đến người bị chất vấn thì chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, người bị chất vấn phải trả lời bằng văn bản cho người chất vấn, đồng thời gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.

    Như vậy, trình tự chất vấn tại kỳ họp Quốc hội của đại biểu Quốc hội được thực hiện như sau:

    Bước 1: Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể

    Bước 2: Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có)

    Bước 3: Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời

    Bước 4: Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình

    Khi nào Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản?

    Căn cứ khoản 4 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội:

    Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội
    ...
    4. Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau đây:
    a) Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp;
    b) Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh;
    c) Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.
    Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật.
    Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội gần nhất hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
    ...

    Như vậy, Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau:

    - Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp;

    - Vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn cần được điều tra, xác minh;

    - Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.

    12