Công tác quản lý nhà nước về hòa giải thương mại được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Công tác quản lý nhà nước về hòa giải thương mại được quy định như thế nào?
Quản lý nhà nước về hòa giải thương mại được quy định tại Điều 42 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại như sau:
1. Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hòa giải thương mại trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Soạn thảo, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về hòa giải thương mại;
b) Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại; cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại; chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài;
c) Công bố danh sách hòa giải viên thương mại, danh sách tổ chức hòa giải thương mại trên toàn quốc;
d) Ban hành và hướng dẫn sử dụng thống nhất các mẫu văn bản, giấy tờ trong lĩnh vực hòa giải thương mại;
đ) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động hòa giải thương mại; quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hòa giải thương mại trong cả nước; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải thương mại;
e) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hòa giải thương mại;
g) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hòa giải thương mại;
h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền của mình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương.
Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Đăng ký hoạt động, đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại; đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài; đăng ký hoạt động, đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại; thu hồi Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
b) Đăng ký, lập và xóa tên hòa giải viên thương mại vụ việc khỏi danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc của Sở;
c) Cập nhật, công bố danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc, tổ chức hòa giải thương mại trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp; rà soát, thống kê, báo cáo số liệu về hòa giải viên thương mại hàng năm tại địa phương;
d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải thương mại;
đ) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương theo thẩm quyền;
e) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp về hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu;
g) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải thương mại.
Trên đây là nội dung quy định về quản lý nhà nước về hòa giải thương mại theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP.