Hòa giải thương mại thành có cần lập thành văn bản hay không?

Hòa giải thương mại thành có cần lập thành văn bản hay không? Quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải thương mại như thế nào? Công ty tôi và có tranh chấp thương mại với một công ty khác, hai bên thống nhất sẽ giải quyết thông qua hòa giải thương mại, vậy khi hòa giải thành thì có cần lập văn bản hay không?

Nội dung chính

    Hòa giải thương mại thành có cần lập thành văn bản hay không?

    Theo Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP có quy định về kết quả hòa giải thương mại thành như sau:

    1. Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.

    2. Văn bản về kết quả hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

    a) Căn cứ tiến hành hòa giải;

    b) Thông tin cơ bản về các bên;

    c) Nội dung chủ yếu của vụ việc;

    d) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

    đ) Các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

    3. Văn bản về kết quả hòa giải thành có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại.

    4. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, khi hòa giải thương mại thành, công ty của bạn và công ty có tranh chấp lập văn bản về kết quả hòa giải thành với các nội dung theo quy định như trên.

    Quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải thương mại như thế nào?

    Căn cứ Điều 13 Nghị định này quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải thương mại như sau:

    1. Các bên tranh chấp có các quyền sau đây:

    a) Lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải;

    b) Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải;

    c) Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai;

    d) Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải;

    đ) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

    2. Các bên tranh chấp có các nghĩa vụ sau đây:

    a) Trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo đề nghị của hòa giải viên thương mại;

    b) Thi hành kết quả hòa giải thành;

    c) Trả thù lao và chi phí dịch vụ hòa giải thương mại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

    d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

    Trân trọng!

    22