Công khai thông tin về nhà ở, công trình xây dựng có sẵn bao gồm những nội dung gì?

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có trách nhiệm công khai thông tin về nhà ở, công trình xây dựng có sẵn bao gồm những nội dung gì theo quy định của pháp luật?

Nội dung chính

    Nhà ở, công trình xây dựng có sẵn là gì?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định thì "Nhà ở công trình xây dựng có sẵn là nhà ở, công trình xây dựng đã hoàn thành việc xây dựng và đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng".

    Theo đó Nhà ở công trình xây dựng có sẵn là những công trình đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, không còn trong quá trình thi công. Đây là những công trình xây dựng mà chủ đầu tư đã hoàn tất việc xây dựng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thiết kế, chất lượng và pháp lý theo quy định của pháp luật. Những công trình này có thể được bán, cho thuê, cho thuê mua hoặc chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức khác.

    - Nhà ở có sẵn là các căn nhà đã được xây dựng và hoàn thiện, có thể là nhà riêng lẻ, nhà chung cư hoặc các loại hình nhà ở khác đã hoàn thành và được phép sử dụng theo quy định của cơ quan nhà nước.

    - Công trình xây dựng có sẵn là các công trình không chỉ bao gồm nhà ở mà còn có thể là các công trình khác như văn phòng, trung tâm thương mại, nhà xưởng, kho bãi, và các công trình xây dựng khác đã hoàn thành và được cấp phép sử dụng.

    Công khai thông tin về nhà ở, công trình xây dựng có sẵn bao gồm những nội dung gì?Công khai thông tin về nhà ở, công trình xây dựng có sẵn bao gồm những nội dung gì? (Hình từ Internet)

    Công khai thông tin về nhà ở, công trình xây dựng có sẵn bao gồm những nội dung gì?

    Tại khoản 4 Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có quy định về Thông tin về nhà ở công trình xây dựng có sẵn bao gồm:

    - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy chứng nhận khác về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong đó có ghi nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

    - Trường hợp nhà ở, công trình xây dựng trong dự án bất động sản của chủ đầu tư thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất xây dựng gắn với nhà ở, công trình xây dựng đó;

    - Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có); việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

    Trước khi ký kết hợp đồng bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hoặc chuyển nhượng dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có trách nhiệm công khai đầy đủ các thông tin theo quy định tại Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

    Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản là gì?

    Khi kinh doanh bất động sản, các tổ chức và cá nhân cần phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật Việt Nam. Dưới đây là các điều kiện chính mà tổ chức và cá nhân phải tuân thủ khi tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản theo quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2023:

    Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản
    1. Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành, nghề kinh doanh bất động sản (gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản), trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
    Trường hợp tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ bất động sản thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều này.
    2. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
    a) Không trong thời gian bị cấm hoạt động kinh doanh bất động sản, bị tạm ngừng, bị đình chỉ hoạt động theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
    b) Bảo đảm tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn chủ sở hữu;
    c) Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thông qua dự án bất động sản phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên và phải bảo đảm khả năng huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư; trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đồng thời thực hiện nhiều dự án thì phải có vốn chủ sở hữu đủ phân bổ để bảo đảm tỷ lệ nêu trên của từng dự án để thực hiện toàn bộ các dự án.
    3. Cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.
    4. Tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng dưới mức quy mô nhỏ thì không phải tuân thủ các quy định của Luật này nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật; trường hợp cá nhân bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng thì còn phải thực hiện công chứng, chứng thực theo quy định tại khoản 5 Điều 44 của Luật này.
    5. Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản), phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này.
    6. Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2 Điều này; quy định việc xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

    Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản cần tuân thủ một loạt các điều kiện về pháp lý, tài chính, quy hoạch và các yêu cầu khác để hoạt động hợp pháp và hiệu quả. Việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện này không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia thị trường mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành bất động sản.

    13