Công đoàn Việt Nam có bao nhiêu cấp? Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ công đoàn theo quy định hiện nay là gì?

Công đoàn Việt Nam có bao nhiêu cấp? Cán bộ công đoàn gồm các đối tượng nào? Cán bộ công đoàn có nhiệm vụ và quyền hạn gì?

Nội dung chính

    Công đoàn Việt Nam có bao nhiêu cấp?

    Căn cứ Điều 7 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định về hệ thống tổ chức công đoàn các cấp như sau:

    Hệ thống tổ chức công đoàn các cấp

    Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có các cấp sau đây:

    1. Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng Liên đoàn).

    2. Cấp tỉnh, ngành trung ương gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.

    3. Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm:

    a. Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);

    b. Công đoàn ngành địa phương;

    c. Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);

    d. Công đoàn tổng công ty;

    đ. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.

    4. Cấp cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở).

    Như vậy, tổ chức Công đoàn Việt Nam có 4 cấp: Cấp Trung ương; Cấp tỉnh, ngành trung ương; Cấp trên trực tiếp cơ sở và Cấp cơ sở.

    Công đoàn Việt Nam có bao nhiêu cấp? Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ công đoàn theo quy định hiện nay là gì? (Hình từ Internet)

    Cán bộ công đoàn gồm các đối tượng nào?

    Căn cứ Điều 4 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định cán bộ công đoàn:

    Cán bộ công đoàn

    1. Cán bộ công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn; được cấp có thẩm quyền chỉ định, công nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

    2. Cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.

    a. Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được cấp có thẩm quyền chỉ định, tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra để đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức công đoàn.

    b. Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu và được cấp có thẩm quyền của công đoàn công nhận hoặc chỉ định vào các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên.

    Như vậy, cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.

    Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ công đoàn theo quy định hiện nay là gì?

    Căn cứ Điều 5 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ công đoàn như sau:

    [1] Nhiệm vụ

    - Liên hệ mật thiết với đoàn viên và người lao động; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đoàn viên và người lao động để giải quyết hoặc báo cáo, phản ánh kịp thời với người có thẩm quyền xem xét giải quyết.

    - Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế của đơn vị; tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ.

    - Nêu gương về mọi mặt đối với đoàn viên và người lao động; tích cực bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

    - Đại diện người lao động đối thoại, thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật.

    - Phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

    - Đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của công đoàn các cấp.

    - Thực hiện các nhiệm vụ khác do tổ chức công đoàn phân công.

    [2] Quyền hạn

    - Là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

    - Được thực hiện các quyền của cán bộ công đoàn theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

    - Được bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật. Được tổ chức công đoàn bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

    - Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác công đoàn.

    - Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.

    - Cán bộ công đoàn không chuyên trách khi có đủ điều kiện theo quy định và có nguyện vọng, được xem xét ưu tiên tuyển dụng làm cán bộ công đoàn chuyên trách.

    51