Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như thế nào?

Tôi có một thắc mắc. Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như thế nào? Văn bản pháp luật nào nói chi tiết về điều này?

Nội dung chính

    Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như thế nào?

    Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước được quy định tại Điều 19 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 như sau:

    1. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nghĩa vụ của người lao động; vận động người lao động chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
    2. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; đại diện cho tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia xây dựng điều lệ hoạt động, các nội quy, quy chế, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng, ký kết quy chế phối hợp hoạt động với Giám đốc doanh nghiệp.
    3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và Giám đốc doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, người lao động; tham gia với Giám đốc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, nâng cao thu nhập, đời sống và phúc lợi của đoàn viên, người lao động; vận động đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội, tương trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
    4. Giám sát việc thi hành pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của Công đoàn, đoàn viên, người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở, tổ chức và Lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp; phát động, phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong doanh nghiệp.
    5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
    6. Quản lý tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật và tổ chức Công đoàn.
    Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước ở đây là bao gồm những Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ theo quy định tại Điều 15 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014

    Trên đây là nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013.

    14