Con dấu và việc đóng dấu trên tài liệu kế toán ngân sách nhà nước được quản lý như thế nào?

Quản lý con dấu và đóng dấu trên tài liệu kế toán Kho bạc nhà nước như thế nào? Người quản lý con dấu có trách nhiệm như thế nào theo quy định của pháp luật?

Nội dung chính

    Con dấu và việc đóng dấu trên tài liệu kế toán ngân sách nhà nước được quản lý như thế nào?

    Quản lý con dấu và đóng dấu trên tài liệu kế toán ngân sách nhà nước (NSNN) và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước (KBNN) được quy định tại Điều 24 Thông tư 77/2017/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

    1. Giám đốc các đơn vị KBNN phải có quy định bằng văn bản và mở sổ theo dõi giao việc quản lý con dấu, đóng dấu trên tài liệu kế toán cho nhân viên hành chính (đối với dấu “KHO BẠC NHÀ NƯỚC”) hoặc nhân viên kế toán (đối với dấu “KẾ TOÁN”, “SỞ GIAO DỊCH KBNN”, “PHÒNG GIAO DỊCH” “ĐIỂM GIAO DỊCH”). Khi thay đổi người quản lý con dấu phải lập biên bản bàn giao có sự chứng kiến của lãnh đạo đơn vị.
    2. Người ký chức danh “Giám đốc” hoặc “Kế toán trưởng” trên chứng từ kế toán không được giữ bất kỳ con dấu nào (trừ trường hợp đặc biệt do Tổng Giám đốc KBNN quy định riêng).
    3. Người quản lý con dấu có trách nhiệm giữ và bảo quản con dấu an toàn, không để mất mát, hư hỏng, thất lạc hoặc lợi dụng con dấu. Trường hợp bị mất con dấu, đơn vị KBNN phải báo cáo ngay cơ quan công an địa phương và KBNN cấp trên kịp thời có biện pháp xử lý, đồng thời lập biên bản xác định trách nhiệm đối với người để mất con dấu.
    4. Phải kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ kế toán trước khi đóng dấu vào chứng từ. Dấu đóng phải đúng vị trí, rõ nét, không mờ, không nhoè, không làm biến dạng chữ ký trên chứng từ và phải đóng trên từng liên chứng từ.
    5. Không được đóng dấu lên chứng từ chưa ghi nội dung hoặc nội dung ghi chưa đầy đủ, kể cả trong trường hợp đã có chữ ký.
    6. Tất cả các đơn vị KBNN được sử dụng dấu “KẾ TOÁN” (Sở Giao dịch KBNN được sử dụng dấu “SỞ GIAO DỊCH KBNN”, Phòng Giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh được sử dụng dấu “PHÒNG GIAO DỊCH”) để thực hiện các nghiệp vụ kế toán, thanh toán trong hệ thống KBNN và giao dịch với khách hàng; dấu được đóng vào vị trí chữ ký chức danh cao nhất trên chứng từ. Các chứng từ thanh toán qua ngân hàng có chữ ký của Giám đốc KBNN với tư cách chủ tài khoản thì đóng dấu “KHO BẠC NHÀ NƯỚC” hoặc dấu “PHÒNG GIAO DỊCH”.
    Trong trường hợp nộp NSNN tại điểm giao dịch KBNN (hoạt động theo quy chế quy định tại Quyết định số 110/QĐ-BTC ngày 10/01/2006 của Bộ Tài chính về ban hành quy chế hoạt động điểm giao dịch KBNN), thực hiện đóng dấu “ĐIỂM GIAO DỊCH” vào vị trí chữ ký “Kế toán” trên Giấy nộp tiền vào NSNN.

    Trên đây là tư vấn về quản lý con dấu và đóng dấu trên tài liệu kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 77/2017/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

    16