Có thể xây nhà ở trên đất xây dựng các công trình tôn giáo hay không?
Nội dung chính
Có thể xây nhà ở trên đất xây dựng các công trình tôn giáo hay không?
(1) Mục đích sử dụng của đất tôn giáo là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
...
7. Đất tôn giáo là đất xây dựng các công trình tôn giáo, bao gồm: chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tôn giáo; cơ sở đào tạo tôn giáo; trụ sở tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các công trình tôn giáo hợp pháp khác.
...
Đất tôn giáo được sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo như chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, tượng đài, bia, tháp thuộc cơ sở tôn giáo; cơ sở đào tạo tôn giáo; trụ sở tổ chức tôn giáo và các công trình tôn giáo hợp pháp khác.
(2) Có thể xây nhà ở trên đất xây dựng các công trình tôn giáo hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2024:
Theo đó, nguyên tắc sử dụng đất theo pháp luật đất đai là:
- Đúng mục đích sử dụng đất.
- Bền vững, tiết kiệm, có hiệu quả đối với đất đai và tài nguyên trên bề mặt, trong lòng đất.
- Bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm, thoái hóa đất.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất liền kề và xung quanh.
Do đó, xây nhà ở trên đất xây dựng các công trình tôn giáo đồng nghĩa với việc không dùng đúng mục đích sử dụng đất. Vì vậy, người sử dụng đất không thể xây nhà ở trên loại đất này.
Có thể xây nhà ở trên đất xây dựng các công trình tôn giáo hay không? (Hình từ Internet)
Đất tôn giáo chuyển sang đất ở thì có cần sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền không?
(1) Đất tôn giáo thuộc nhóm đất nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024:
Phân loại đất
...
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
...
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng).
...
Theo đó, đất tôn giáo thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Đây là loại đất sử dụng cho các hoạt động tôn giáo hợp pháp.
(2) Đất tôn giáo chuyển sang đất ở thì có cần sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024:
Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
...
Theo đó, việc chuyển đất tôn giáo (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp) sang đất ở phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Ngoài mục đích chính nêu trên, đất xây dựng các công trình tôn giáo có được kết hợp với các mục đích khác hay không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024:
Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
1. Các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích:
a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu;
b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;
đ) Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của Luật này;
e) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
g) Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.
...
Ngoài mục đích chính, đất xây dựng các công trình tôn giáo có thể được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ