Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?
Nội dung chính
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?
Tranh chấp đất đai được hiểu là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
(Theo khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024)
Để giải quyết tranh chấp đất đai, pháp luật quy định rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Điều 236 Luật Đất đai 2024, như sau:
(1) Đối với các tranh chấp mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ theo quy định và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
Trong trường hợp này thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là của Tòa án.
(2) Đối với các tranh chấp mà các bên không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ theo quy định.
Trong trường hợp này các bên có quyền lựa chọn khởi kiện ra tòa án hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
Trong đó:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền giải quyết các tranh chấp:
+ Tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền giải quyết các tranh chấp:
+ Tranh chấp đất đai mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
+ Tranh chấp đất đai do Ủy ban nhân dân huyện giải quyết nhưng các bên không đồng tình và gửi khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai nếu các bên không đồng ý quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay gồm: Tòa án, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai? (Hình từ Internet)
Tranh chấp đất đai hiện nay có bắt buộc phải hòa giải tại cơ sở hay không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai như sau:
Hòa giải tranh chấp đất đai
...
2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau:
a) Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
b) Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
c) Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai;
d) Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp;
đ) Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.
...
Như vậy, việc hòa giải cơ sở tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp là thủ tục bắt buộc trong tranh chấp về đất đai.
Đối với trường hợp địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì không thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai theo Điều 236 Luật Đất đai 2024.
Giải quyết tranh chấp đất đai có phải là thủ tục hành chính về đất đai?
Căn cứ vào Điều 223 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Các thủ tục hành chính về đất đai
1. Các thủ tục hành chính về đất đai bao gồm:
a) Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất;
b) Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất;
c) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thủ tục đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp;
d) Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất;
đ) Thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất;
e) Thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất;
g) Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính;
h) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
i) Thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai;
k) Thủ tục hành chính khác về đất đai.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, khi giải quyết tranh chấp đất đai tại các cơ quan hành chính như Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì mới được xem là thủ tục hành chính về đất đai.