Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Cơ quan đại diện ngoại giao sử dụng đất tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ gì? Ai có thẩm quyền thu hồi đất các cơ quan đại diện ngoại giao?

Các cơ quan đại diện ngoại giao có quyền sử dụng đất tại Việt Nam không và quyền và nghĩa vụ của họ đối với việc sử dụng đất tại Việt Nam là gì?

Nội dung chính

    Cơ quan đại diện ngoại giao có quyền sử dụng đất không?

    Theo khoản 5 Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 4. Người sử dụng đất
    Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
    ...
    5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
    ...

    Theo đó, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao như Lãnh sự quán, Đại sứ quán của nước ngoài tại Việt Nam thuộc một trong các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

    Cơ quan đại diện ngoại giao sử dụng đất tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ gì? Ai có thẩm quyền thu hồi đất các cơ quan đại diện ngoại giao?

    Cơ quan đại diện ngoại giao sử dụng đất tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ gì? Ai có thẩm quyền thu hồi đất các cơ quan đại diện ngoại giao? (Hình từ Internet)

    Cơ quan đại diện ngoại giao sử dụng đất tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ gì?

    Căn cứ Điều 40 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 40. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao
    1. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
    a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 26 và Điều 31 của Luật này;
    b) Xây dựng các công trình trên đất theo giấy phép của cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền;
    c) Sở hữu công trình do mình xây dựng trên đất thuê trong thời hạn thuê đất;
    d) Việc trả lại đất, chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao khi không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích đã được thuê đất thì thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật.
    2. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao có quyền và nghĩa vụ theo điều ước quốc tế đó.

    Theo đó, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao có các quyền chung của người sử dụng đất như:

    - Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

    - Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp.

    - Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

    - Được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.

    - Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

    Bên cạnh đó, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao còn có các quyền sau:

    - Xây dựng các công trình trên đất theo giấy phép của cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền.

    - Sở hữu công trình do mình xây dựng trên đất thuê trong thời hạn thuê đất

    Ngoài ra, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao cần tuân theo các nghĩa vụ sau đây:

    - Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    - Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.

    - Thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.

    - Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

    - Tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

    - Bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

    - Việc trả lại đất, chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao khi không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích đã được thuê đất thì thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật.

    Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao có quyền và nghĩa vụ theo điều ước quốc tế đó.

    Ai là người chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng đất của cơ quan đại diện ngoại giao?

    Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất
    1. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; người đứng đầu của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao đối với việc sử dụng đất của tổ chức mình.
    ...

    Theo đó, người đứng đầu của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sẽ chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất của tổ chức mình.

    Quy định về việc xử lý các vi phạm về đất đai của các cơ quan đại diện ngoại giao là gì?

    Theo Điều 81 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
    1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
    2. Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.
    3. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
    4. Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.
    5. Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.
    6. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
    7. Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
    8. Đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
    ...

    Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 83 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Thẩm quyền thu hồi đất và xử lý trường hợp thu hồi đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản công
    1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật này.
    ...

    Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định thu hồi đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao nếu tổ chức này có hành vi vi phạm thuộc các trường hợp sau:

    - Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.

    - Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.

    - Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.

    -Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.

    -Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.

    -Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

     

    7