Cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo cơ chế gì?

Cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo cơ chế gì? Được tạm dừng thẩm định bao nhiêu lần?

Nội dung chính

    Cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo cơ chế gì?

    Căn cứ khoản 3 Điều 38 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:

    Quy trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng
    ...
    2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng, nếu người đề nghị thẩm định không thực hiện việc bổ sung hồ sơ thì cơ quan thẩm định dừng việc thẩm định, người đề nghị thẩm định trình thẩm định lại khi có yêu cầu.
    3. Cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm tổ chức thẩm định theo cơ chế một cửa liên thông bảo đảm đúng nội dung theo quy định của Luật số 62/2020/QH14.
    ...

    Như vậy, cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo cơ chế một cửa liên thông bảo đảm đúng nội dung theo quy định.

    Cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo cơ chế gì?

    Cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo cơ chế gì? (Ảnh từ Internet)

    Trong quá trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cơ quan chuyên môn được tạm dừng thẩm định bao nhiêu lần?

    Căn cứ khoản 4 Điều 38 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:

    Quy trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng
    ...
    4. Trong quá trình thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng có quyền tạm dừng thẩm định (không quá 01 lần) và thông báo kịp thời đến người đề nghị thẩm định các lỗi, sai sót về thông tin, số liệu trong nội dung hồ sơ dẫn đến không thể đưa ra kết luận thẩm định. Trường hợp các lỗi, sai sót nêu trên không thể khắc phục được trong thời hạn 20 ngày thì cơ quan chuyên môn về xây dựng dừng việc thẩm định, người đề nghị thẩm định trình thẩm định lại khi có yêu cầu.
    ...

    Như vậy, trong quá trình thẩm định, cơ chuyên môn về xây dựng có quyền tạm dừng thẩm định không quá 01 lần và thông báo kịp thời đến người đề nghị thẩm định các lỗi, sai sót về thông tin, số liệu trong nội dung hồ sơ dẫn đến không thể đưa ra kết luận thẩm định.

    Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở có được thực hiện với từng bộ phận công trình?

    Căn cứ khoản 6 Điều 35 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:

    Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
    ...
    5. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn bản của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm cơ sở phê duyệt thiết kế. Kết quả thẩm định và phê duyệt của chủ đầu tư được thể hiện tại Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục I Nghị định này.
    6. Việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với toàn bộ các công trình hoặc từng công trình của dự án hoặc bộ phận công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư nhưng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, cơ sở tính toán trong các kết quả thẩm định.

    Như vậy, việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với từng bộ phận công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư, ngoài ra còn được thực hiện với toàn bộ các công trình hoặc từng công trình của dự án, nhưng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, cơ sở tính toán trong các kết quả thẩm định.

    Quy định chung về thiết kế xây dựng là gì?

    Căn cứ Điều 78 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:

    Quy định chung về thiết kế xây dựng
    1. Thiết kế xây dựng gồm:
    a) Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
    b) Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;
    c) Các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, sau đây gọi là thiết kế FEED), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế.
    2. Thiết kế xây dựng được thực hiện theo trình tự một bước hoặc nhiều bước như sau:
    a) Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công;
    b) Thiết kế hai bước bao gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công;
    c) Thiết kế ba bước bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công;
    d) Thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.
    3. Người quyết định đầu tư quyết định số bước thiết kế xây dựng khi phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.
    4. Hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thuyết minh thiết kế, bản vẽ thiết kế, tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) theo yêu cầu của chủ đầu tư.
    5. Thiết kế bản vẽ thi công do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng lập cho toàn bộ công trình hoặc từng hạng mục công trình hoặc từng giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư.
    6. Chính phủ quy định chi tiết các bước thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thiết kế xây dựng.

    Như vậy, quy định chung của thiết kế xây dựng được nêu cụ thể như quy định trên.

    9