11:29 - 18/09/2024

Có phải đã có Thông tư quy định về thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân áp dụng từ ngày 11/6/2024?

Có phải đã có Thông tư quy định về thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân áp dụng từ ngày 11/6/2024 hay không? Nguyên tắc thi đua trong Tòa án nhân dân là gì?

Nội dung chính

    Có phải đã có Thông tư quy định về thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân áp dụng từ ngày 11/6/2024?

    Ngày 11/4/2024, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định về công tác thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân.

    Theo đó, Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân, bao gồm: đối tượng, nguyên tắc thi đua, khen thưởng; cụm thi đua; tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; loại hình, hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền, trách nhiệm, thủ tục, hồ sơ xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng Khoa học - Sáng kiến; Quỹ thi đua, khen thưởng.

    Đối với Tòa án quân sự các cấp, Thông tư 01/2024/TT-TANDTC chỉ quy định việc xét khen thưởng danh hiệu vinh dự Tòa án nhân dân, “Cờ thi đua Tòa án nhân dân” và các hình thức khen thưởng: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”, “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”.

    Có phải đã có Thông tư quy định về thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân áp dụng từ ngày 11/6/2024? (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc thi đua trong Tòa án nhân dân là gì?

    Tại Điều 4 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC có quy định nguyên tắc thi đua trong Tòa án nhân dân là:

    - Tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch, dân chủ.

    - Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

    - Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào, thành tích công tác và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.

    Có được xét hai hình thức khen thưởng cho một đối tượng có cùng một thành tích đạt được trong Tòa án nhân dân không?

    Tại Điều 5 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC có quy định nguyên tắc khen thưởng trong Tòa án nhân dân như sau:

    Nguyên tắc khen thưởng
    1. Dân chủ, chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời.
    2. Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen đến đó.
    3. Không xét hai hình thức khen thưởng (bao gồm cả danh hiệu thi đua) cho một đối tượng có cùng một thành tích đạt được; trừ trường hợp đạt thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn trong lực lượng vũ trang (nếu có). Kết quả khen thưởng thành tích đột xuất, thi đua theo chuyên đề không dùng làm căn cứ để đề nghị cấp trên khen thưởng công trạng.
    4. Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng.
    5. Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
    6. Khi bình xét khen thưởng hàng năm phải dựa trên kết quả đánh giá, xếp loại cá nhân, tập thể (theo quy định của Đảng, pháp luật về kiểm điểm và đánh giá xếp loại chất lượng hàng năm đối với cá nhân, tập thể trong hệ thống chính trị và quy định của Tòa án nhân dân tối cao).
    7. Khen thưởng phải căn cứ vào thành tích đạt được. Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chỉ lấy kết quả khen thưởng về thành tích cuối năm để làm căn cứ xét khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng (kết quả khen thưởng phong trào thi đua theo chuyên đề được ghi nhận và ưu tiên khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng). Không cộng dồn thành tích đã khen của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu và có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác.
    8. Khi xét khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo (hình thức khen thưởng người đứng đầu không cao hơn của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo trong năm công tác). Nếu xét khen thưởng theo tiêu chí Thẩm phán thì căn cứ theo tiêu chí chung của Thẩm phán trong cơ quan, đơn vị.
    9. Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho cá nhân, tập thể trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh làm rõ. Trường hợp cá nhân, tập thể bị kỷ luật, sau khi chấp hành xong thời gian kỷ luật, cá nhân, tập thể lập được thành tích thì thành tích khen thưởng được tính từ thời điểm chấp hành xong thời gian thi hành kỷ luật.
    10. Cá nhân, tập thể không được xét khen thưởng vì có bản án, quyết định bị huỷ, sửa, nhưng sau đó Hội đồng xét xử giám đốc thẩm kết luận việc hủy, sửa đó là chưa chính xác thì được xem xét, đề nghị khen thưởng bổ sung.
    ....

    Như vậy, không xét hai hình thức khen thưởng cho một đối tượng có cùng một thành tích đạt được;

    Tuy nhiên đối với trường hợp đạt thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn trong lực lượng vũ trang (nếu có) thì vẫn xét hai hình thức khen thưởng cho một đối tượng có cùng một thành tích đạt được.

    9