Có được tự ý xây dựng mộ trên đất ở nông thôn không? Nhà nước quy định các nguyên tắc gì đối với việc xây dựng?

Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Có được tự ý xây dựng mộ trên đất ở nông thôn không theo quy định? Nhà nước có quy định các nguyên tắc gì đối với việc xây dựng nghĩa trang không?

Nội dung chính

    Có được tự ý xây dựng mộ trên đất ở nông thôn không?

    Căn cứ theo điểm a, h khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về việc phân loại đất của nhóm đất phi nông nghiệp được chia làm các loại đất khác nhau với mục đích sử dụng đất khác nhau. Trong đó, với nhóm đất phi nông nghiệp quy định đất pở nông thôn thuộc vào mục đích sử dụng đất ở, còn đất để xây dựng mộ thuộc vào mục đích sử dụng đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt.

    Theo khoản 1, 3 Điều 195 Luật Đất đai 2024 quy định về khái niệm đất ở nông thôn như sau:

    Đất ở tại nông thôn
    1. Đất ở tại nông thôn là đất để làm nhà ở và mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất thuộc khu vực nông thôn.
    3. Đất ở tại nông thôn phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn.

    Theo đó, đất ở tại nông thôn là đất chỉ dùng để xây nhà và phục vụ nhu cầu đời sống trong khu vực nông thôn, không dùng để xây dựng mộ. Đất ở phải được bố trí đồng bộ với đất cho công trình công cộng, đảm bảo thuận tiện cho sản xuất, đời sống và vệ sinh môi trường, theo hướng hiện đại hóa nông thôn.

    Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1, 5 Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng đất như sau:

     Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
    1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.
    ...
    5. Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
    ...

    Qua đó, nghĩa vụ của người sử dụng đất mà Luật Đất đai 2024 quy định là phải sử dụng đất đúng với mục đích cũng như phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

    Vậy nên, việc xây dựng mộ trên đất ở nông thôn đã vi phạm về nghĩa vụ của người sử dụng đất qua việc sử dụng đất không đúng với mục đích và việc tự ý xây dựng mô trên đất ở nông thôn sẽ làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

    Có được tự ý xây dựng mộ trên đất ở nông thôn không?

    Có được tự ý xây dựng mộ trên đất ở nông thôn không? (Hình từ Internet)

    Nhà nước có quy định các nguyên tắc gì đối với việc xây dựng nghĩa trang không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 23/2016/NĐ-CP về việc các nguyên tắc đối với việc xây dựng nghĩa trang như sau:

    - Quy hoạch: Tất cả nghĩa trang và cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch theo đúng pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường.

    - Khuyến khích đầu tư: Ưu tiên xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ nhiều địa phương với hình thức táng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất và chi phí.

    - Quản lý đất: Quản lý đất nghĩa trang và cơ sở hỏa táng phải tuân thủ pháp luật về đất đai, đảm bảo an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.Táng tại khuôn viên: Việc táng trong khuôn viên nhà thờ, chùa phải đảm bảo vệ sinh và được chấp thuận của Ủy ban nhân dân.

    - Phù hợp văn hóa: Táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục và văn hóa.

    - Vệ sinh: Thực hiện vệ sinh trong mai táng, hỏa táng theo quy định của Bộ Y tế.

    - Trách nhiệm của chủ đầu tư: Chủ đầu tư phải quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy định hiện hành.

    - Hỗ trợ mai táng: Đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ chi phí mai táng.

    - Tuân thủ quy định: Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang, hỏa táng phải tuân thủ các quy định hiện hành.

    - Giám sát: Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

    Có quy định gì về việc bồi thường, hỗ trợ vì phải di dời mồ mã khi Nhà nước thu hồi đất không?

    Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định về việc bồi thường, hỗ trợ khi phải di dời mồ mã khi Nhà nước thu hồi đất như sau

    Bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất
    1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm bố trí quỹ đất trong các nghĩa trang theo quy hoạch để di dời mồ mả khi thu hồi đất.
    2. Đối với mồ mả trong phạm vi đất thu hồi phải di dời thì được bồi thường các chi phí bao gồm: chi phí đào, bốc, di dời, xây dựng mới và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp để di dời mồ mả đến vị trí mới trong nghĩa trang theo quy hoạch của địa phương; trường hợp tự thu xếp việc di chuyển mồ mả ngoài khu vực được bố trí thì được hỗ trợ tiền.
    Trường hợp quận, thành phố, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất thu hồi không còn quỹ đất trong các nghĩa trang thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát quỹ đất tại địa bàn các đơn vị hành chính cấp huyện khác để bố trí di dời mồ mả, quy định chính sách hỗ trợ để khuyến khích hình thức hoả táng, lưu giữ tro cốt tại các cơ sở lưu giữ tro cốt nhằm thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.
    Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường, hỗ trợ tại khoản này phù hợp với tập quán và thực tế tại địa phương.
    3. Trường hợp mồ mả trong phạm vi đất thu hồi phải di dời mà không có người thân thực hiện việc di dời thì đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mồ mả phải di dời tiến hành các thủ tục di dời mồ mả theo phong tục, tập quán tại địa phương; kinh phí di dời được tính trong kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

    Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và huyện phải bố trí quỹ đất trong nghĩa trang để di dời mồ mả. Mồ mả trong khu vực thu hồi sẽ được bồi thường chi phí di dời, bao gồm đào, bốc, xây dựng mới và các chi phí hợp lý khác; nếu tự di chuyển ra ngoài khu vực bố trí, sẽ được hỗ trợ tiền. Nếu địa phương không còn quỹ đất nghĩa trang, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải tìm quỹ đất ở nơi khác và khuyến khích hình thức hỏa táng, lưu giữ tro cốt để bảo vệ môi trường.

    Mức bồi thường sẽ được quy định phù hợp với tập quán địa phương. Nếu không có người thân để di dời, đơn vị bồi thường sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện di dời theo phong tục, kinh phí sẽ được tính trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

    29
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ