Có được cấp sổ đỏ khi lấn đất, chiếm đất không?
Nội dung chính
Có được cấp sổ đỏ khi lấn đất, chiếm đất không?
Căn cứ khoản 31 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Và theo khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì chiếm đất là việc sử dụng đất do Nhà nước đã quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép.
Tại Điều 139 Luật Đất đai 2024 đối với từng trường hợp Nhà nước sẽ ra quyết định thu hồi hoặc xem xét cấp sổ đỏ.
(1) Nhà nước sẽ ra quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau:
- Sử dụng đất do lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng sau khi Nhà nước đã công bố, cắm mốc hành lang bảo vệ hoặc lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè sau khi Nhà nước đã công bố chỉ giới xây dựng hoặc lấn đất, chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, công trình công cộng khác (khoản 1 Điều 139 Luật Đất đai 2024).
- Đối với lấn đất chiếm đất có nguồn gốc nông, lâm trường đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất qua từng thời kỳ, trường hợp đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch lâm nghiệp đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;
Sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng. Lúc này, người sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định (khoản 2 Điều 139 Luật Đất đai 2024).
- Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do lấn chiếm không thuộc hai trường hợp được nêu phía trên và không thuộc trường hợp sử dụng đất sai mục đích sẽ bị thu hồi ngoại trừ trường hợp người đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn. Theo đó, người đang sử dụng đất lúc này được tạm thời sử dụng cho đến khi nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai. (khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024).
(2) Nhà nước xem xét cấp sổ đỏ trong các trường hợp sau:
- Trường hợp đã có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà nay diện tích đất lấn, chiếm không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng; không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông; không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác thì người đang sử dụng đất.
- Đối với đất bị lấn đất, chiếm đất có nguồn gốc nông, lâm trường đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng qua các thời kỳ thì trường hợp không có Ban quản lý rừng thì người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ và được xem xét cấp sổ đỏ.
- Trường hợp lấn đất, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, không thuộc quy hoạch lâm nghiệp đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, không thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng.
- Trường hợp người đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn. (khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024).
Lưu ý: Việc xem xét cấp sổ đỏ chỉ áp dụng đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật trước ngày 1/7/2014. Nếu việc sử dụng đất vi phạm sau mốc thời gian này việc sử dụng đất sẽ không được hợp thức hóa bằng việc cấp sổ đỏ. Thay vào đó Nhà nước sẽ ra quyết định thu hồi, xử lý theo quy định pháp luật về đất đai.
Việc thu hồi đất hay xem xét cấp sổ đỏ đối với lấn đất, chiếm đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm tính hợp pháp của việc lấn chiếm, mục đích sử dụng đất và sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp khi có quyết định thu hồi đất, người đang sử dụng đất phải giữ nguyên hiện trạng đất và thực hiện kê khai, đăng ký đất đai theo quy định.3
Có được cấp sổ đỏ khi lấn đất, chiếm đất không? (Hình từ Internet)
Mức phạt khi lấn đất, chiếm đất không được Nhà nước xem xét cấp sổ đỏ được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định đối với hành vi lấn đất, chiếm đất không được nhà nước cấp sổ đỏ sẽ chịu mức phạt như sau:
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy diện tích lấn đất, chiếm đất (khoản 1 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP ). (1)
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp (không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất) không thuộc trường hợp (1) mà thuộc địa giới hành chính của xã thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy diện tích lấn đất, chiếm đất (khoản 2 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).;
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp (1) mà thuộc địa giới hành chính của xã thì tiền từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy diện tích lấn đất, chiếm đất (khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất phi nông nghiệp không thuộc trường hợp (1) mà thuộc địa giới hành chính của xã thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy diện tích lấn đất, chiếm đất (khoản 4 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
- Hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người được giao đất, cho thuê đất chưa được bàn giao đất trên thực địa thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng tùy diện tích đất vi phạm (khoản 5 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP). (2).
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng được nêu trên và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực; đất xây dựng các công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn; đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì hình thức và mức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành. Trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định xử phạt thì xử phạt theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
Ngoài các mức phạt tiền được nêu trên thì phải áp dụng các biện pháp pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (bao gồm cả việc khôi phục lại ranh giới và mốc giới thửa đất), trừ trường hợp được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 139 Luật Đất đai 2024 và điểm b khoản 8 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
- Buộc người được giao đất, cho thuê đất phải làm thủ tục để được bàn giao đất trên thực địa theo quy định đối với trường hợp (2) ;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất, chiếm đất là bao lâu?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 123/2024/NĐ-CP có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm, tất cả hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đều có chung thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất, chiếm đất là 02 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất, chiếm đất là thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm (hành vi vi phạm đang được thực hiện) theo điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2024/NĐ-CP.