11:58 - 17/12/2024

Chính thức có Luật Địa chất và khoáng sản 2024 hiệu lực thi hành từ 01/7/2025?

Chính thức có Luật Địa chất và khoáng sản 2024 hiệu lực thi hành từ 01/7/2025? Chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản?

Nội dung chính

    Chính thức có Luật Địa chất và khoáng sản 2024 hiệu lực thi hành từ 01/7/2025?

    Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết và thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.

    Kết quả biểu quyết điện tử ghi nhận 446 trên tổng số 448 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội.

    > ĐIỂM MỚI LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN 2024

    Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Bao gồm 12 Chương và 111 Điều quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Luật Địa chất và khoáng sản 2024: Tải về

    Chính thức có Luật Địa chất và khoáng sản 2024 hiệu lực thi hành từ 01/7/2025? (Ảnh từ Internet)

    Chính thức có Luật Địa chất và khoáng sản 2024 hiệu lực thi hành từ 01/7/2025? (Ảnh từ Internet)

    Chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản áp dụng từ 01/7/2025?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:

    Chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản
    1. Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về địa chất, khoáng sản để bảo đảm tài nguyên địa chất, khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động khoáng sản, chế biến khoáng sản.
    2. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản.
    3. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng và một số khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; quyết định việc không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực có khoáng sản chiến lược, quan trọng; cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng theo thỏa thuận quy định trong hiệp định liên Chính phủ.
    4. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng theo quy hoạch, kế hoạch.
    5. Nhà nước có chính sách dự trữ khoáng sản, xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
    6. Dữ liệu địa chất, khoáng sản phải được xây dựng đồng bộ, quản lý tập trung, thống nhất và được khai thác, sử dụng có hiệu quả.
    7. Nhà nước khuyến khích hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực về địa chất, khoáng sản; chia sẻ, sử dụng dữ liệu địa chất, khoáng sản; đầu tư thăm dò khoáng sản và khai thác khoáng sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.
    8. Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản.

    Như vậy, đối với địa chất và khoáng sản, Nhà nước có 8 chính sách áp dụng từ ngày 01/7/2025.

    Hoạt động khoáng sản phải bảo đảm những nguyên tắc gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:

    Nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản
    ...
    2. Hoạt động khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
    a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 và điểm c khoản 2 Điều 73 của Luật này; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống thiên tai;
    b) Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản theo quy định của Luật này;
    c) Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ quy mô tài nguyên, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản theo đề án thăm dò;
    d) Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản;
    đ) Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản hợp pháp được thăm dò xuống sâu và mở rộng mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác;
    e) Hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên có liên quan.

    Theo đó, hoạt động khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc theo quy định trên.

    Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

    Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
    318
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ