17:09 - 19/12/2024

Một số điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản 2024

Một số điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản 2024? Nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản là gì?

Nội dung chính

    Một số điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản 2024

    Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản 2024. Theo có, Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có một số điểm mới so với quy định cũ như sau:

    (1) Quy định về điều tra cơ bản địa chất

    Theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    11. Điều tra cơ bản địa chất là hoạt động nghiên cứu, điều tra cơ bản về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ trái đất, các điều kiện địa chất, quá trình địa chất và quy luật sinh khoáng nhằm đánh giá tiềm năng tài nguyên địa chất, các tác động của quá trình địa chất đến kinh tế - xã hội và con người làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động bảo vệ, quản lý tài nguyên địa chất.

    Theo đó, đã bổ sung quy định rõ hơn về khái niệm điều tra cơ bản địa chất.

    (2) Phân nhóm khoáng sản

    Căn cứ tại Điều 6 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:

    Phân nhóm khoáng sản
    1. Căn cứ công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản được phân loại thành các nhóm sau đây:
    a) Khoáng sản nhóm I bao gồm: khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp;
    b) Khoáng sản nhóm II bao gồm: khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, đá mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa;
    c) Khoáng sản nhóm III bao gồm: khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản này; than bùn, bùn khoáng, nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;
    d) Khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).
    2. Chính phủ quy định chi tiết danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.

    Luật Địa chất và khoáng sản 2024 đã bổ sung quy định về phân nhóm khoáng sản căn cứ công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản. Theo đó, khoáng sản được chia thành 4 nhóm theo quy định trên.

    (3) Các quy định về khoáng sản nhóm IV

    Tại điểm d khoản 1 Điều 6 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:

    Phân nhóm khoáng sản
    1. Căn cứ công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản được phân loại thành các nhóm sau đây:
    ...
    d) Khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).

    Theo đó, đã bổ sung các quy định về thu hồi khoáng sản nhóm IV tại Điều 75 Luật Địa chất và khoáng sản 2024, khai thác khoáng sản nhóm IV tại mục 4 Chương V Luật Địa chất và khoáng sản 2024.

    Đồng thời, quy định cụ thể về các khoáng sản thuộc nhóm IV theo quy định trên.

    (4) Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng

    Căn cứ theo quy định tại Điều 50 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:

    Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản
    1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản và tổ chức thực hiện đề án thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật này có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 51 của Luật này.
    2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 51 của Luật này có trách nhiệm tổ chức công nhận kết quả thăm dò khoáng sản theo quy định của Chính phủ.
    3. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn, tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản.
    4. Sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản không gửi đủ hồ sơ đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Luật này thì mất quyền đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, trừ trường hợp bất khả kháng. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trước đó không được hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản.
    5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 4 Điều này; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, cơ quan thẩm định, trình công nhận kết quả thăm dò khoáng sản; trình tự, thủ tục giao nộp báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản.
    6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản; quy định nội dung báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, thăm dò bổ sung.

    Luật Địa chất và khoáng sản 2024 đã bổ sung quy định về công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng theo quy định trên.

    (5) Khoáng sản chiến lược, quan trọng

    Theo quy định tại Điều 49 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:

    Thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước
    1. Nhà nước sử dụng vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản đối với:
    a) Khoáng sản chiến lược, quan trọng;
    b) Khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn.
    2. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục các khu vực thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
    3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các khu vực thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của mình.
    4. Việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này lựa chọn tổ chức thực hiện đề án thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
    5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Theo đó, Nhà nước sử dụng vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản đối khoáng sản chiến lược, quan trọng.

    (6) Thu hồi khoáng sản

    Tại mục 5 Chương V Luật Địa chất và khoáng sản 2024 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về những quy định chung về thu hồi khoáng sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu hồi khoáng sản.

    Một số điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản 2024 (Ảnh từ Internet)

    Một số điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản 2024 (Ảnh từ Internet)

    Nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản là gì?

    Theo quy định tại Điều 4 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:

    Nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản
    1. Điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
    a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản;
    b) Thực hiện theo đề án, dự án, nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
    c) Điều tra tổng hợp, toàn diện, bảo đảm tính kế thừa, không trùng lặp;
    d) Các phương pháp kỹ thuật điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với đối tượng địa chất, tài nguyên địa chất; mục tiêu, nhiệm vụ điều tra; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật;
    đ) Tổng hợp, cập nhật, thống kê, kiểm kê đầy đủ và cung cấp kịp thời các thông tin về kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống tai biến địa chất.
    2. Hoạt động khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
    a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 và điểm c khoản 2 Điều 73 của Luật này; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống thiên tai;
    b) Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản theo quy định của Luật này;
    c) Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ quy mô tài nguyên, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản theo đề án thăm dò;
    d) Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản;
    đ) Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản hợp pháp được thăm dò xuống sâu và mở rộng mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác;
    e) Hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên có liên quan.
    3. Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí xác định khu vực thăm dò xuống sâu và mở rộng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

    Theo đó, nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản được quy định trên.

    Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
    145
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ