Chỉ có Ủy ban Nhân dân mới có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất?
Nội dung chính
Chỉ có Ủy ban Nhân dân mới có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất?
Căn cứ theo quy định tại Điều 123 Luật Đất đai 2024:
Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức trong nước;
b) Giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;
c) Giao đất, cho thuê đất đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
d) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân. Trường hợp cho cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;
b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các trường hợp quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này.
5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này không được phân cấp, không được ủy quyền.
Theo quy định trên, cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất là:
(1) Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh chịu trách nhiệm quyết định giao đất, cho thuê đất, hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp liên quan đến:
- Tổ chức trong nước;
- Tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc;
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
(2) Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với:
- Cá nhân. Trường hợp thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp với diện tích từ 0,5 ha trở lên để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, cần có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi ra quyết định;
- Cộng đồng dân cư.
(3) Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã:
Trong khi đó, UBND cấp xã chỉ được phép cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của địa phương như xã, phường, thị trấn.
Có thể thấy, hiện nay, pháp luật đất đai quy định chỉ có Ủy ban Nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.
Chỉ có Ủy ban Nhân dân mới có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất? (Hình từ Internet)
Có bao nhiều trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất?
Căn cứ theo quy định tại Điều 119 Luật Đất đai 2024:
Có 4 trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất:
- Cá nhân được giao đất ở.
- Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở, cải tạo chung cư, hạ tầng nghĩa trang hoặc cơ sở lưu giữ tro cốt.
- Người gốc Việt định cư ở nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại hoặc nhận chuyển nhượng dự án bất động sản.
- Hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức được giao đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Khi được các cơ quan giao đất thì nghĩa vụ công dân đối với đất đai như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Đất đai 2024:
Nghĩa vụ của công dân đối với đất đai
1. Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai.
2. Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất.
3. Tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác.
Theo đó, khi được các cơ quan giao đất thì nghĩa vụ công dân đối với đất đai như sau:
(1) Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai:
Người sử dụng đất phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành liên quan đến đất đai, bao gồm việc sử dụng đất đúng mục đích được giao, thực hiện nghĩa vụ tài chính như nộp thuế đất, tiền sử dụng đất, và các khoản phí khác. Ngoài ra, người sử dụng đất phải thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính cần thiết khi có thay đổi liên quan đến đất như chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng, hoặc gia hạn quyền sử dụng đất.
(2) Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất:
Người sử dụng đất cần sử dụng đất hiệu quả, hợp lý, tránh các hành vi gây lãng phí hoặc làm suy thoái đất. Việc bảo vệ tài nguyên đất bao gồm việc phòng chống các hành vi khai thác đất bừa bãi, ô nhiễm môi trường, hoặc làm biến dạng địa hình tự nhiên. Đồng thời, người sử dụng đất có trách nhiệm cải tạo và phát triển đất, chẳng hạn như nâng cao độ phì nhiêu của đất nông nghiệp, trồng rừng trên đất trống, đồi trọc, hoặc áp dụng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên đất.
(3) Tôn trọng quyền sử dụng đất của người khác:
Trong quá trình sử dụng đất, mỗi cá nhân cần đảm bảo không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của những người sử dụng đất khác. Điều này bao gồm việc tránh tranh chấp đất đai, không sử dụng đất của người khác trái phép, cũng như tôn trọng ranh giới đất đã được xác lập. Việc giữ gìn sự hài hòa trong cộng đồng sử dụng đất không chỉ góp phần vào việc xây dựng môi trường xã hội ổn định mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững.