Chậm sang tên sổ đỏ bị xử phạt như thế nào?

Có bắt buộc sang tên sổ đỏ không? Chậm sang tên sổ đỏ bị xử phạt như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền sang tên sổ đỏ?

Nội dung chính

    Có bắt buộc sang tên sổ đỏ không?

    Sang tên sổ đỏ là cách người dân gọi để chỉ thủ tục đăng kí biến động khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

    Tại Điều 131 Luật Đất đai 2024 có quy định nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:

    Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
    1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.
    2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.
    3. Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
    4. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý đã kê khai đăng ký được ghi vào hồ sơ địa chính và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
    5. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.

    Như vậy, sang tên sổ đỏ là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.

    Chậm sang tên sổ đỏ bị xử phạt như thế nào?(Hình từ Internet)

    Chậm sang tên sổ đỏ bị xử phạt như thế nào?

    Theo khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024, có quy định như sau:

    Đăng ký biến động
    ...
    3. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền; trường hợp thi hành án thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án, tài sản bán đấu giá; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

    Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện sang tên sổ đỏ tại cơ quan có thẩm quyền.

    Bên cạnh đó, tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định như sau:

    Không đăng ký đất đai
    ...
    2. Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;
    b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.
    3. Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
    4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    Buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.

    Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định như sau:

    Áp dụng mức phạt tiền
    1. Đối tượng áp dụng mức phạt tiền thực hiện như sau:
    a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;
    b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức.
    ...

    Như vậy, người đang sử dụng đất không sang tên sổ đỏ thì bị xử phạt như sau:

    (1) Đối với đất tại khu vực nông thôn:

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn phải sang tên sổ đỏ mà không thực hiện sang tên;

    - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn phải sang tên sổ đỏ mà không thực hiện sang tên.

    (2) Đối với đất tại khu vực thành thị

    - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn phải sang tên sổ đỏ mà không thực hiện sang tên;

    - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn phải sang tên sổ đỏ mà không thực hiện sang tên.

    (3) Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức thì gấp đôi mức phạt tiền trên.

    (4) Đồng thời, buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện sang tên sổ đỏ phải làm thủ tục sang tên theo quy định.

    Cơ quan nào có thẩm quyền sang tên sổ đỏ?

    Theo khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai 2024, cơ quan có thẩm quyền thực hiện sang tên sổ đỏ được quy định như sau:

    (1)Tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài;

    (2) Chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai hoặc tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

    97