Cách thực hiện điều chỉnh giảm doanh thu theo quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC là gì?
Nội dung chính
Cách thực hiện điều chỉnh giảm doanh thu theo quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC là gì?
Tại điểm b khoản 1 Điều 81 Thông tư 200/2014/TT-BTC có quy định việc điều chỉnh giảm doanh thu được thực hiện như sau:
- Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh;
- Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
+ Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu, trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).
+ Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau).
Việc điều chỉnh giảm trừ doanh thu trên được áp dụng đối với doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ phát sinh trong kỳ.
Việc điều chỉnh giảm doanh thu theo Thông tư 200 được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Doanh thu theo Thông tư 200 được ghi nhận tại thời điểm nào?
Tại khoản 1 Điều 78 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc kế toán các khoản doanh thu như sau:
Nguyên tắc kế toán các khoản doanh thu
1. Doanh thu là lợi ích kinh tế thu được làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoại trừ phần đóng góp thêm của các cổ đông. Doanh thu được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh, khi chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận, không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu được tiền.
...
Như vậy, doanh thu theo Thông tư 200 được ghi nhận tại thời điểm phát sinh giao dịch, khi chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận và không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu được tiền.
Lưu ý: Việc ghi nhận doanh thu tại thời điểm trên được áp dụng đối với công tác kế toán tại các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có thể vận dụng quy định hướng dẫn kế toán của Thông tư 200/2014/TT-BTC để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình (Điều 1 Thông tư 200/2014/TT-BTC).
Khoản doanh thu của doanh nghiệp có bao gồm các khoản thu hộ hay không?
Tại khoản 4 Điều 78 Thông tư 200/2014/TT-BTC có quy định như sau:
Nguyên tắc kế toán các khoản doanh thu
.....
4. Doanh thu không bao gồm các khoản thu hộ bên thứ ba, ví dụ;
- Các loại thuế gián thu (thuế GTGT, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường) phải nộp;
- Số tiền người bán hàng đại lý thu hộ bên chủ hàng do bán hàng đại lý;
- Các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá bán đơn vị không được hưởng;
- Các trường hợp khác.
Trường hợp các khoản thuế gián thu phải nộp mà không tách riêng ngay được tại thời điểm phát sinh giao dịch thì để thuận lợi cho công tác kế toán, có thể ghi nhận doanh thu trên sổ kế toán bao gồm cả số thuế gián thu nhưng định kỳ kế toán phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế gián thu phải nộp. Tuy nhiên, khi lập Báo cáo tài chính kế toán bắt buộc phải xác định và loại bỏ toàn bộ số thuế gián thu phải nộp ra khỏi các chỉ tiêu phản ánh doanh thu gộp.
.....
Như vậy, khoản doanh thu của doanh nghiệp không bao gồm các khoản thu hộ bên thứ ba.
Các khoản thu hộ bên thứ ba là các khoản tiền mà doanh nghiệp thu hộ cho bên thứ ba, không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể:
- Tiền thuế gián thu (thuế GTGT, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường) phải nộp.
- Số tiền người bán hàng đại lý thu hộ bên chủ hàng do bán hàng đại lý.
- Các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá bán đơn vị không được hưởng;
- Các trường hợp khác.